MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quán ăn Hà Nội được mở bán mang về: Đơn quá tải, 9h đã ngừng nhận khách

Cường Ngô - Hoài Anh LDO | 07/09/2021 11:21
Nhiều chủ quán ăn ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) vui mừng phấn khởi khi được mở cửa trở lại để bán mang về sau gần 2 tháng đóng cửa quán. Trong sáng nay (7.9), do lượng khách quá đông, đến 8h30 -9h sáng, nhiều quán ăn thông báo ngừng nhận khách.

46 ngày mới được ăn tô bún, bát phở đúng nghĩa

Sau thông báo UBND huyện Gia Lâm cho phép quán ăn ở vùng xanh bán mang về, anh Tô Hoàng Long - chủ quán bún cá ở phố Thành Trung (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhân viên chuẩn bị nguyên vật liệu, dọn dẹp lại khu bếp và bàn ghế, chuẩn bị bán hàng mang về. 

"Chúng tôi gom đơn của khách từ tối qua và sẽ giao hàng trong sáng nay theo 3 khung giờ 6h30, 9h và 11h. Nhưng đến 9h lượng đơn đã quá tải, không làm kịp. Khách gọi điện thoại đặt hàng rất nhiều, tôi đều phải từ chối".

Anh Long nói chưa dứt lời, một phụ nữ đỗ xe ôtô bên đường, hớt hải chạy sang lấy mấy suất bún cá đặt trước, tuy nhiên, phải chờ 30 phút mới đến lượt lấy hàng.

This browser does not support the video element.

Nhà hàng, quán ăn “vùng xanh” huyện Gia Lâm tất bật dọn dẹp, mở bán trở lại. Video: Hoài Anh

Cầm suất bún cá trên tay, chị Bùi Thị Huệ (phố Thành Trung) chia sẻ, hơn một năm qua, COVID-19 đã bao lần quét qua thành phố này. Nhưng chưa khi nào người Hà Nội phải "xa" hàng quán lâu đến thế, cho nên việc mở lại hàng quá khiến ai cũng vui mừng.

"Từ khi Hà Nội giãn cách xã hội đợt 3, sáng nào gia đình tôi cũng ăn mì tôm hoặc cơm rang, ăn nhiều đến phát ngán. Chính vì vậy, khi biết tin hàng quán được bán mang về, tôi phải đi mua ngay, lâu lắm không được thưởng thức bát phở, tô bún đúng nghĩa", chị Huệ chia sẻ.

Theo anh Long, việc huyện Gia Lâm cho phép mở lại hàng quán khiến anh rất vui.

"Nhận được tin này như nắng hạn gặp mưa rào, tôi vui hơn nhặt được tiền vì mặt bằng đi thuê chứ không phải của gia đình nên đóng cửa ngày nào lo lắng ngày đó", anh Long nói.

Hàng ăn ở vùng xanh huyện Gia Lâm được bán mang về. Ảnh: Cường Ngô 

Dù vậy, anh Long cũng khá lo lắng vì khi bán lại sẽ bị "ngượng tay ngượng chân".

"Tôi chỉ sợ không giữ được phong độ như trước, khiến khách hàng phàn nàn về chất lượng món ăn", chủ quán này tâm sự.

Nhận được thông báo hàng quán trong vùng xanh được kinh doanh dù chỉ bán mang về, vợ chồng anh Đỗ Văn Chiến (thị trấn Trâu Quỳ) cũng tất bật dọn dẹp từ sáng sớm.

"Ngày 6.9, tôi cùng vợ lau dọn khu bếp sạch sẽ, mua đồ để hôm nay bắt đầu bán. Đơn hàng nhiều, làm không nghỉ tay nghỉ chân, mệt nhưng vui. Trước đó, đêm ngủ, tôi còn nằm mơ tới ngày được bán hàng", anh Chiến nói.

Chi tiêu của cả gia đình trông vào cửa hàng phở

Sáng nay, chị Vũ Thị Lụa (quê Nam Định) cũng bán suất phở đầu tiên. Đọc được thông tin từ hôm qua, chị tranh thủ ninh xương từ đêm rồi sáng dậy sớm đi chợ mua thịt, rau để chuẩn bị bán phở.

Theo chị Lụa, gia đình chị có 4 người thuê nhà ở thị trấn Trâu Quỳ vừa để ở, vừa bán phở với giá 15 triệu đồng/tháng. Từ khi quán đóng cửa, chị vẫn phải chi trả tiền nhà, tiền điện nước. 

Chủ các cửa hàng rất vui mừng khi được mở bán hàng trở lại sau hơn 1 tháng đóng cửa. 
Chị Lụa bán những suất phở đầu tiên. Ảnh: Cường Ngô 

Những tưởng chỉ nghỉ bán khoảng 1-2 tuần, ai ngờ kéo dài đến nay đã 46 ngày. Bí bách khi phải ngồi không trong khi mọi chi phí hầu như phải chi ra đều đặn, từ tiền thuê nhà đến ăn uống, thêm một số loại thuốc men, các loại sản phẩm để phòng chống dịch bệnh... khiến chị phải đi vay mượn của bà con, người quen để tiêu. Tiền sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình trông cả vào nguồn thu từ quán phở.

"Tôi chưa đăng ký kinh doanh nên đến lúc nghỉ bán, cũng chưa nhận được hỗ trợ cho các hộ kinh doanh. Vì vậy, khi được bán hàng trở lại, tôi rất vui", chị Lụa nói và cho biết, dù bối cảnh khó khăn nhưng chủ các cửa hàng và người dân đều cố gắng tuân thủ để Hà Nội cũng như Việt Nam kiểm soát dịch thành công đưa cuộc sống sinh hoạt sớm trở lại như xưa. 

UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND Hà Nội. 

Với Vùng xanh gồm các xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn, gồm: Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên thường, Yên Viên, TT Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, TT Trâu Quỳ, Đa Tốn, Lệ Chi, Dương Quang, biện pháp áp dụng tại đây thực hiện như vùng cam, tuy nhiên cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động, nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn