MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới quan sát đánh giá quản lý nợ công sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Hải Nguyễn.

Quản lý nợ công sẽ đối mặt với nhiều thách thức

TRÍ MINH LDO | 18/08/2023 09:27

Ngày 18.8, Bộ Tài chính cho biết, vừa có phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nhìn lại giai đoạn 2021-2023, công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả nổi bật: An toàn nợ công được đảm bảo trong phạm vi mức trần, ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt, ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 40-41%, nợ Chính phủ/GDP khoảng 37-38%, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP khoảng 3-4%, nợ chính quyền địa phương/GDP dưới 1%; Đảm bảo huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển; Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Đặc biệt, năm 2022, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại. Ảnh: Bộ Tài chính.

Đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam và khả năng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, hành động, chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia từ WB đều chung quan điểm cho rằng, công tác quản lý nợ công tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần có một chiến lược quản lý nợ công toàn diện.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam ghi nhận tiến độ đạt được trong công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng, Việt Nam đã có những cải cách quan trọng về quản lý nợ công, trong đó bao gồm tăng cường khung pháp lý, quản lý thể chế liên quan quản lý nợ công.

Đại diện WB nhìn nhận, thời gian tới, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức do độ mở nền kinh tế cao nên dễ chịu tác động từ cú sốc bên ngoài; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây sức ép lên tài chính ngân sách.

Mặt khác, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, trong thời gian tới, khoản vay ODA sẽ tiến tới kết thúc, tỷ trọng vay ưu đãi và vay theo điều kiện thị trường tăng, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn duy trì ở mức cao...

Một thách thức khác là công tác tổ chức quản lý nợ tại Việt Nam còn nhiều phân tán, trong khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã thiết lập ra cơ quan quản lý nợ trong đó ra quyết định nợ dựa trên phân tích danh mục nợ, chi phí và rủi ro. Do đó, cải cách thể chế sẽ tạo điều kiện cho công tác huy động nợ, trên cơ sở đó hỗ trợ phát triển thị trường trong nước hiệu quả, góp phần quản lý ngân sách hiệu quả.

Phía Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2024-2025, như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, đồng bộ với hoàn thiện khuôn khổ quản lý nợ công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn; tiếp tục nghiên cứu để phát triển đa dạng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trái phiếu Chính phủ, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn