MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tân Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh. Ảnh: PV

Quản lý Thị trường nâng cấp từ Cục lên Tổng Cục: Đã làm được những gì?

ĐỨC THÀNH (ghi) LDO | 24/10/2018 13:07

Ở lĩnh vực quản lý thị trường, trong thời gian gần đây không có nhiều sự vụ đặc biệt nổi trội. Tín hiệu đó đáng mừng vì công tác quản lý hiệu quả khiến thị trường thực sự yên bình hay đáng lo vì công tác quản lý thị trường không phát hiện được. Chính thức nhận nhiệm vụ mới từ ngày 12.10, tân Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh đã triển khai, chỉ đạo những gì để đảm bảo lĩnh vực do mình quản lý hoàn thành nhiệm vụ? Trao đổi với PV Báo Lao Động - ông Linh cho biết:

“Từ khi Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý Thị trường trực thuộc Bộ Công Thương có hiệu lực, Bộ Công Thương đã đặt ra ưu tiên trước mắt là làm tốt công tác bàn giao các Chi cục QLTT từ địa phương về trực thuộc Tổng cục QLTT của Bộ Công Thương. Sau đó là ổn định tổ chức để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương. Điểm nổi bật là ngay từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Tổng cục QLTT đã giảm được 162 Đội QLTT ở địa phương theo hướng sắp xếp, sáp nhập các Đội Quản lý thị trường cấp huyện thành các Đội Quản lý thị trường liên huyện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ và tổng cục đã hoàn thành xong việc ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý thị trường địa phương, Quyết định giao quyền Cục trưởng và Đội trưởng cho Cục Quản lý Thị trường địa phương. Sau khi ổn định xong bộ máy ở địa phương, bộ sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn các đơn vị tổng cục ở Trung ương.

Tổng cục QLTT đã trình Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32/2018/TT-BCT ngày 8.10.2018 về việc quy định mẫu, quy cách, chế độ cấp phát, quản lý, sử dụng số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục của lực lượng QLTT; Thông tư 33/2018/TT-BCT ngày 8.10.2018 của Bộ Công Thương quy định về Thẻ kiểm tra thị trường; Thông tư 35/2018/TT-BCT ngày 12.10.2018 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT.

Để công việc chuyên môn không bị đình trệ, gián đoạn, Tổng cục Quản lý Thị trường đã triển khai các hoạt động như: Ban hành CV số 526/TCQLTT-CSPL về việc hướng dẫn một số nội dung về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Trong đó hướng dẫn về việc sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường; việc thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh QLTT; về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng; Phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - nguy cơ, thách thức và giải pháp”; Chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2019” - ông Linh cho biết.

Như vậy, cho tới lúc này, công tác chính của Tổng cục QLTT là kiện toàn bộ máy tổ chức tại các Cục QLTT địa phương và ban hành các văn bản pháp luật. Ngoài vị trí Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, các vị trí khác đều chưa thấy bổ nhiệm. Hiện tại Tổng cục QLTT vẫn đang có 5 chức danh lãnh đạo (cũ) và chưa có các quyết định thay đổi là Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc; các Phó Cục trưởng là ông Trần Hùng, Vũ Hùng Sơn, Nguyễn Văn Bình và bà Chu Thu Hương.

Thời gian tới, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục QLTT định hướng công tác trọng tâm tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ…

Thông tư 33/2018/TT-BCT Bộ Công Thương mới ban hành quy định nghiêm khắc về các hành vi sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường

Thẻ kiểm tra thị trường (Thẻ) được công chức Quản lý thị trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong phạm vi quy định của Điều 12 và Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường theo địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công...; không được sử dụng Thẻ nhằm mục đích vụ lợi cá nhân hoặc đe dọa, gây cản trở hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nghiêm cấm hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, làm giả, mượn, cho mượn, cầm cố, thế chấp, sử dụng trái phép Thẻ; Công chức QLTT không có Thẻ hoặc trong thời gian bị thu hồi hoặc bị tạm đình chỉ sử dụng Thẻ không được ban hành quyết định kiểm tra và thực hiện hoạt động kiểm tra thị trường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23.11.2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn