MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Tài chính chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế của hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Tuyết

Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bộc lộ nhiều bất cập

TRÍ MINH LDO | 05/09/2023 11:37

Bộ Tài chính vừa có tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) trong đó, nhiều bất cập, hạn chế của hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được chỉ ra.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Cơ quan chức năng cho biết, phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp được thu hẹp, không còn dàn trải và được sắp xếp theo hướng tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực: cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu xã hội; lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2021, Nhà nước đã đầu tư 197.443 tỉ đồng vào các doanh nghiệp.

Dù vậy, Luật số 69/2014/QH13 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, theo quy định tại Điều 36 Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, việc đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp từ ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương. Trình tự, thủ tục chi đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trên thực tế từ khi Luật số 69/2014/QH13 có hiệu lực thi hành đến nay, hầu như các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa được bố trí dự toán ngân sách và chưa được đầu tư vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Việc đầu tư vốn Nhà nước (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, Công ty Đường sắt đô thị số 1 TPHCM).

Về báo cáo, công bố, công khai thông tin, theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13, hằng năm Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước trong phạm vi toàn quốc, để Quốc hội theo dõi, nắm bắt được tình hình quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp qua các năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy còn một số bất cập như: Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa chấp hành báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu theo thời hạn yêu cầu; cơ quan đại diện chủ sở hữu có nơi còn chưa kịp thời kiểm tra, phê duyệt báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo yêu cầu; số liệu báo cáo của doanh nghiệp chưa được đồng nhất...

Ngoài ra, chính sách tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập...

Đề xuất 7 hành vi bị cấm

Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó nêu rõ 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật; Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật; Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý Nhà nước không đúng quy định của pháp luật; Vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và Nhà nước.

Dự thảo Luật nêu rõ, nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.

Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; Nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn