MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Google và Facebook hiện chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam: Thêm chế tài và gỡ nút thắt

Thế Lâm LDO | 24/07/2021 08:00

Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo sẽ có hiệu lực từ ngày 15.9 tới, tập trung vào lĩnh vực quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Thêm chế tài nào nổi bật?

Tâm điểm của Nghị định 70/2021/NĐ-CP là sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Theo đó, tại điểm a, Khoản 4, Điều 13 sửa đổi, quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm: tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có).

Thông báo về đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ. Hình thức và thời gian thông báo trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Điểm nổi bật thứ hai là tại điểm b, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật (quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).

Và tại điểm c, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu được quy định tại Điều 14 sửa đổi tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP.

Một chế tài quan trọng nữa được bổ sung là quy định tại điểm b, Khoản 5, yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Tháo gỡ nút thắt cho người quảng cáo

Nghị định 70/2021/NĐ-CP không chỉ bổ sung thêm các chế tài mới mạnh hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, mà cũng gỡ bỏ quy định có tính chất là “nút thắt” đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, bắt buộc các tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới của nước ngoài phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này qua nhiều năm cho thấy không thực sự hiệu quả vì chưa sát với yêu cầu thực tế của các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Cụ thể theo thống kê, chỉ có khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 30% trên Facebook thông qua doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hợp pháp tại Việt Nam.

Còn lại, khoảng 55% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 70% doanh thu quảng cáo trên Facebook do các khách hàng tại Việt Nam tự liên hệ với hai nền tảng trên.

Chính vì thế, quy định này đã hoàn toàn được loại bỏ trong Điều 13 sửa đổi của Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.9 tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn