MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường khai thác than Hà Tu, TP.Hạ Long. Ảnh: CTV

Quảng Ninh kiến nghị coi đất, đá thải mỏ chỉ là chất thải rắn công nghiệp

Nguyễn Hùng LDO | 24/12/2021 15:25

Quảng Ninh - Việc sử dụng đất, đá thải ở các mỏ than để san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng ở Quảng Ninh được coi là lợi đủ đường, trong đó sẽ hạn chế khai thác các mỏ tài nguyên tự nhiên, trong khi đất, đá thải mỏ lại bỏ không. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là đất, đá thải mỏ vẫn được coi là một loại khoáng sản.

Theo ông Trần Như Long – Giám đốc Sở Tài nguyên –Môi trường Quảng Ninh – đất, đá thải mỏ hiện vẫn được coi là khoáng sản đi kèm than, và do nằm trong ranh giới mỏ nên Bộ Tài nguyên-Môi trường vẫn thay mặt nhà nước quản lý. Vì thế, việc khai thác loại khoáng sản này vẫn đầy đủ các thủ tục không kém gì thủ tục xin khai thác một mỏ than.

Một bãi thải mỏ ở Cẩm Phả, nằm ngay đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thường xuyên gây ô nhiễm bụi cho các khu dân cư xung quanh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Được biết, thủ tục xin Bộ TN-MT cấp phép cho khai thác 700.000 m3 đất, đá thải đầu tiên của Công ty CP than Núi Béo để san lấp mặt bằng Dự án đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả là mất khoảng 1 năm.

Trao đổi với Lao Động, ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị coi đất, đá thải mỏ chỉ là chất thải rắn công nghiệp, để từ đó có hướng xử lý nhanh hơn. Tuy nhiên, đến nay, Bộ TN-MT vẫn chưa có câu trả lời.

“Theo đánh giá của ngành than loại nguyên vật liệu này không thể tận thu để sử dụng vào việc khác, chỉ phục vụ cho san lấp mặt bằng. Vì thế, Quảng Ninh có kiến nghị điều chỉnh, coi đất, đá thải mỏ không phải là khoáng sản đi kèm, mà chỉ là chất thải rắn công nghiệp” – ông Huy cho biết.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng kiến nghị giao trách nhiệm cho Quảng Ninh để quyết định sử dụng nguồn nguyên vật liệu này, để phục vụ nhu cầu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép và giảm giá thành.

Cụ thể, UBND Quảng Ninh đề nghị Bộ TN-MT giao UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy trình thực hiện; tổ chức phê duyệt phương án khai thác, sử dụng, vận chuyển... đối với từng khai trường, từng bãi thải cụ thể để làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án, công trình xây dựng theo quy định.

“Đất, đá thải mỏ là một đặc thù chỉ có ở Quảng Ninh, một vài tỉnh khác cũng có nhưng rất ít, và một khi đã không coi là khoáng sản đi kèm nữa thì nên giao trách nhiệm cho tỉnh Quảng Ninh quyết định. Chúng tôi mong muốn Bộ TN-MT sớm có ý kiến về các vấn đề trên” – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Một nhà xưởng của Công ty than Hòn Gai bị đất, đá thải vùi lấp trong trận đại hồng thủy năm 2015. Ảnh: Nguyễn Hùng

Việc sử dụng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình, dự án xây dựng được đánh giá sẽ đạt được đa mục tiêu theo hướng tích cực.

Trong đó, góp phần giảm áp lực về diện tích bãi thải; giảm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị; giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái...; giảm nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, ổn định đời sống của nhân dân; giảm đáng kể chi phí xử lý đất đá thải mỏ và tăng hiệu quả kinh tế khai thác của ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Với tốc độ xây dựng như hiện nay ở Quảng Ninh, mỗi năm tỉnh này cần khoảng  130 triệu m3 nguyên vật liệu để san lấp mặt bằng. Trong khi đó, tổng trữ lượng đất đá thải mỏ than đã có hiện nay là trên 1,3 tỉ m3; ngoài ra, mỗi năm thêm khoảng 150 triệu m3.

Tổng diện tích bãi thải của các mỏ than ở Quảng Ninh hiện là hơn 4.000 ha. Các bãi thải có cốt cao độ tương đối cao (200÷300m); trong mùa mưa bão, một số vị trí có nguy cơ sạt lở rất cao; nguy cơ gây mất an toàn cho vùng hạ lưu. Trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ sạt lở bãi thải, trong đó vùi lấp nhà dân, gây chết người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn