MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: N.H

Quảng Ninh lại đứng đầu PCI: “Không tự mãn vì vẫn cách xa điểm tối đa”

Nguyễn Hùng LDO | 28/03/2019 13:41

Sáng nay (28.3), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Quảng Ninh lần thứ 2 liên tiếp về nhất với 70,36 /100 điểm, tiếp đến là Đồng Tháp với 70,19 điểm và Long An với 68,09 điểm. 

Ông Nguyễn Đức Long (đứng giữa, bên phải) cùng Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc lên nhận danh hiệu quán quân PCI sáng 28.3. Ảnh: CTV

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết, Quảng Ninh không tự mãn bởi số điểm đạt được vẫn còn cách xa điểm tối đa và không cao hơn nhiều so với nhóm đứng sau.

Thưa ông, Quảng Ninh duy trì ở tốp đầu trong bảng xếp hạng PCI, rồi đoạt quán quân như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Long: Mỗi năm, mỗi giai đoạn, Quảng Ninh đều có kế hoạch, hành động cụ thể, nhằm giữ vững hoặc nâng điểm các chỉ số thành phần đã có điểm tốt và khắc phục những chỉ số đạt điểm yếu.

Mặc dù giành vị trí quán quân PCI, nhưng còn tới gần 30 điểm nữa mới tới vị trí điểm tối đa và đặc biệt chỉ nhỉnh hơn chút so với nhóm đứng sau. Vì vậy, nếu không tiếp tục nỗ lực sẽ bị tụt hạng.

Chúng tôi mở ra nhiều kênh để cộng đồng DN và người dân tham gia. Trong đó, tiếp tục coi trọng bộ chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, cấp huyện); mở các trang fanpage của các sở, ngành, địa phương để người dân, DN tương tác.

Chủ tịch Hội DN tỉnh được mời dự các kỳ họp thường kỳ của UBND tỉnh, để qua đó nắm bắt được tình hình và góp ý, chia sẻ các vấn đề nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Hàng quý, tỉnh làm việc với Hiệp hội DN tỉnh và cứ 6 tháng một lần tổ chức đối thoại với DN, với sự tham gia của các lãnh đạo cao nhất của tỉnh.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công. Đến nay, các trung tâm này thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả các hồ sơ của người dân, DN ngay tại chỗ, trong thời hạn quy định.

Việc vận hành Chính quyền điện tử cũng vừa giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước vừa minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Đến nay, có 86% bộ thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết qua chính quyền điện tử.

Quảng Ninh đã hưởng lợi gì từ những vị trí cao ở PCI, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Long: Dòng tiền đầu tư của các DN ngoại tỉnh vào Quảng Ninh liên tục tăng, riêng năm 2018 đạt khoảng 67.000 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là những nhà đầu tư tư nhân có uy tín, tiềm lực mạnh, như Vingroup, Sungroup, FLC, Texthong, Amata…, đầu tư vào hạ tầng, giao thông, đô thị, du lịch…

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của Quảng Ninh, mà còn giúp nhiều DN trong tỉnh - vốn trước đây hoạt động kém hiệu quả nhìn nhận lại mình để phát triển tốt hơn.

Là quán quân, nhưng các chuyên gia vẫn chỉ ra không ít điểm yếu của Quảng Ninh. Vậy, những điểm yếu đó đã được cải thiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Long: Những hạn chế mà các chuyên gia chỉ ra thì năm vừa qua đã được cải thiện nhiều và được chính VCCI thừa nhận.

Trong đó: Chi phí không chính thức giảm; tính minh bạch của các cơ chế, chính sách và hỗ trợ DN tăng; điểm chỉ số đảm bảo an ninh và trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu tăng.

Xin cám ơn ông.

Năm 2018, Quảng Ninh đứng thứ 5 về thu ngân sách, đạt 40.500 tỉ đồng; đón 12,2 triệu lượt du khách, trong đó 5,2 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2018, Quảng Ninh đưa một loạt các công trình hạ tầng nghìn tỷ vào hoạt động, gồm: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long…Ngày 3.4.2019, dự kiến sẽ khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn