MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy nhiệt điện Mông Dương, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ninh: Nguy cơ thiếu điện, doanh nghiệp đổi khung giờ sản xuất

Nguyễn Hùng LDO | 20/07/2022 15:56

Quảng Ninh - Mức điện tiêu thụ có thời điểm lên mức kỷ lục và nguy cơ thiếu điện là rất lớn nên nhiều doanh nghiệp lớn ở Quảng Ninh dịch chuyển khung giờ sản xuất vào các khung giờ cao điểm sang các khung giờ thấp điểm.

Những tháng đầu năm nay, trước tình hình thiếu hụt than cho sản xuất nhiệt điện và dự báo thời tiết nắng nóng cực đoan, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã lên kế hoạch dự báo mức giảm công suất của khu vực tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 với mức giảm công suất tối đa là 95MW (giảm khoảng 10% công suất sử dụng).

Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, để khắc phục tình trạng này và vẫn đảm bảo được sản xuất, đơn vị đã làm việc với 8 đơn vị có trạm biến áp 110kV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng được phương án hợp lý hóa sản xuất khi thời tiết nắng nóng cực đoan.

Kéo điện lưới về Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để phục vụ doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hùng
Hiện, ngoài 19 trạm biến áp 110KV với tổng công suất gần 1.500MVA do Công ty Điện lực quản lý, trên địa bàn tỉnh còn có 8 đơn vị có trạm biến áp 110kV chuyên dùng với tổng công suất khoảng 500MVA.

Trong số này có: Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, Công ty CP Xi măng Thăng Long, Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long, Công ty Than Hà Lầm…

Công ty CP Than Hà Lầm được giao kế hoạch sản xuất năm 2022 khoảng 2,4 triệu tấn than nguyên khai, đào 12.000m lò. Với sản lượng này, theo tính toán, công ty sẽ tiêu thụ trên 53 triệu kWh điện. Căn cứ nhu cầu sử dụng công suất của Than Hà Lầm, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phối hợp với đơn vị để xây dựng các kịch bản về thời gian, công suất giảm. Từ đó, Than Hà Lầm chủ động dịch chuyển thời gian sản xuất vào các khung giờ cao điểm sang các khung giờ thấp điểm (12h00-15h00; 21h00-24h00) khi hệ thống điện thiếu nguồn với 3 kịch bản tiết giảm công suất tương ứng là 10%, 20%, 30% nếu chu kỳ nắng nóng kéo dài 5 ngày liên tiếp.

Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long cũng xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu của hệ thống điện miền Bắc. Cụ thể, trong giờ cao điểm, Công ty chỉ cho chạy các hệ thống bắt buộc như hệ thống lò, còn việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như máy nghiền, máy nén khí sẽ được hạn chế tối đa.

Với việc dịch chuyển thời gian sản xuất một cách hợp lý nên công ty vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc mà vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định và làm lợi về giá điện. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, công ty tiết giảm được khoảng 5-7MW khi triển khai phương án tiết giảm, điều chỉnh phụ tải.

Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc trong những ngày gần đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc nói chung và Quảng Ninh nói riêng tăng rất mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều khiển xa (Công ty Điện lực Quảng Ninh), trong ngày 18.7, công suất tiêu thụ điện của Quảng Ninh đã lập mức đỉnh mới là 959MW (tăng 11,2% so với công suất đỉnh năm 2021 (862,3MW) và tăng 2,7% so với mức kỷ lục gần đây nhất là vào ngày 21.6 (933,9MW).

Đáng chú ý, trong bối cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài thì nguồn phát điện của khu vực miền Bắc cũng đang gặp khó khăn khi một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn