MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quảng Ninh “soán ngôi” Đà Nẵng

NGUYỄN HÙNG - ĐẶNG TIẾN LDO | 23/03/2018 09:13
Sau 4 năm Đà Nẵng liên tiếp đứng ở vị trí đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2017 Quảng Ninh đã vươn lên giành vị trí quán quân của bảng xếp hạng. Điểm nổi bật nhất của PCI 2017 được cộng đồng DN đánh giá và biểu dương là các địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Tăng chỉ số niềm tin với doanh nghiệp

PCI 2017 có nhiều khởi sắc, đây là lần đầu tiên điểm trung vị của PCI đã tăng kể từ năm 2005 khi bắt đầu tiến hành công bố chỉ số PCI, cho thấy mức độ cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những tiến bộ rõ rệt và hành trình chuyển lửa cải cách về các địa phương đã có nhiều thành công. Hầu hết các tỉnh đã cải thiện chỉ số PCI và đã có sự rút ngắn đáng kể giữa các nhóm cuối bảng xếp hạng với nhóm dẫn đầu. Điều này khẳng định sức lan toả của cải cách đã được lan toả và việc truyền lửa cải cách về các địa phương dưới sự điều hành của Chính phủ đã bước đầu thành công. Điều quan trọng nhất là niềm tin của cộng đồng DN đã được khơi dậy, có đến 52% các DN trong nước và trên 60% các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho biết là đang triển khai kế hoạch mở rộng SXKD trong thời gian 2 năm tới và điều này khẳng định chỉ số niềm tin về môi trường kinh doanh cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng, như: Tính minh bạch và các thiết chế pháp lý để giải quyết các vấn đề của DN vẫn chuyển biến chậm, cùng đó các chi phí không chính thức mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn đến 59%, vẫn còn nhiều DN cho rằng họ vẫn phải chi trả khoản chi phí này và 28% số DN chưa hài lòng với việc thi hành công vụ của các cấp chính quyền… Cùng đó, một số trở ngại mới như việc tiếp cận đất đai khó khăn hơn, sự an toàn trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất của DN… Do vậy, PCI đã đưa ra thông điệp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân để cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy PCI năm 2017 cũng đã có 1 chương riêng về năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân và đã có nhiều phát hiện quan trọng. cụ thể trong thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều phát triển quan trọng, nhưng quy mô, vốn và lao động đang nhỏ đi. Đặc biệt là đang thiếu các DN cỡ vừa trong nền kinh tế, trong khi các DN lớn cần có thời gian dài để hình thành và phát triển. Khối DN vừa có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh do đủ lực và linh hoạt trong cạnh tranh, đây là điểm yếu của cộng đồng DN Việt Nam.

Một điểm đáng nói của bức tranh PCI 2017 là cả 5 đầu tàu kinh tế lớn của đất nước là: Hà Nội (64,71 điểm), TPHCM (65,19 điểm), Cần Thơ (65,09 điểm), Đà Nẵng (70,11 điểm) và Hải Phòng (65,15 điểm) lần đầu tiên đều cùng có mặt trong nhóm dẫn đầu. Điều này khẳng định các trung tâm kinh tế lớn đã có nhiều chuyển động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KTXH của đất nước. Mặc dù đã có sự thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương bên cạnh sự vươn lên của nhóm cuối bảng thì những địa phương dẫn đầu lại có dấu hiệu đang chững lại, điều này cho thấy đang có trở ngại trong việc tiếp tục vươn lên của các địa phương điều này đòi hỏi phải có những đột phá về thể chế và thủ tục hành chính để tạo ra các dư địa mới. Hiện cộng đồng DN đang rất kỳ vọng vào các đột phá cải cách của Chính phủ về kế hoạch cắt giảm các thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành.

Áp lực quán quân

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch HĐQT Cty tập đoàn Hoàng Hà, kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, chính vì sự hài lòng của DN thì Quảng Ninh mới có số điểm cao và giành vị trí quán quân như vậy. Tuy nhiên, dù là quán quân, nhưng cũng mới chỉ đạt 70,69 điểm trong khi điểm tối đa là 100.

“PCI có 10 chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng… Quảng Ninh còn thiếu gần 30 điểm nữa so với điểm số tối đa, vì thế còn phải nỗ lực nhiều, chọn những chỉ số thành phần nào có điểm chưa tốt để đột phá” - ông Thể chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động chiều 22.3, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - cho biết, để có được thành quả trên, Quảng Ninh tiến hành cải cách thủ tục hành chính kiên trì, bền vững trong nhiều năm qua và có đặt mục tiêu hằng năm. Việc này đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, mà đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi đơn vị. Thành công chung là của mỗi địa phương, sở, ngành, nhưng cũng nêu cao tinh thần của người đứng đầu: có quyết liệt hay không. Vì thế, trong công tác đánh giá cán bộ, cũng có tính đến yếu tố này.

Cũng theo ông Đọc, việc so sánh điểm số PCI giữa các tỉnh, thành cũng chỉ là tương đối, điều quan trọng là mỗi địa phương phải tự chiến thắng chính mình. 10 chỉ tiêu với tổng điểm là 100, mà Quảng Ninh mới được hơn 70 điểm, còn rất nhiều dư địa để phấn đấu.

“Quảng Ninh đang là quán quân PCI toàn quốc, nhưng đây cũng là áp lực rất lớn - làm thế nào giữ được vị trí đó. Nếu hài lòng với kết quả hôm nay mà không tiếp tục phấn đấu thì sẽ bị tụt hạng. Ngoài ra, dù đứng đầu nhưng Quảng Ninh cũng mới chỉ được trên 70 điểm, như vậy độ chưa hài lòng của DN vẫn còn gần 30 điểm nữa. Phải tiếp tục đổi mới để phục vụ DN tốt hơn nữa” - ông Đọc cho biết.

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 22.3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 là kết quả của những đổi mới vượt bậc trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sân bay Vân Đồn, cầu Bạch Đằng và chuẩn bị khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trong quý II/2018.

Đến nay, tổng số vốn xã hội hóa đầu tư công trình giao thông trên địa bàn đạt trên 30.000 tỉ đồng; trong đó có 4 dự án BOT giao thông đường bộ. K.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn