MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV

Quét sạch tài khoản ngân hàng rác góp phần hạn chế tín dụng đen, lừa đảo

Hương Nguyễn LDO | 21/12/2023 17:16

Làm sạch dữ liệu khách hàng ảo, tài khoản rác là một trong những trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tội phạm mua, bán tài khoản thanh toán, sử dụng tài khoản không chính chủ, tài khoản “ảo” cho mục đích bất hợp pháp, trong đó có hoạt động tín dụng đen. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - về các biện pháp góp phần hạn chế tín dụng đen.

Bộ Công an và NHNN đang phối hợp làm sạch dữ liệu dân cư, giúp ngành ngân hàng tránh tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động tín dụng đen. Hiện quá trình này đang thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Việc làm sạch dữ liệu dân cư, định danh chính xác khách hàng rất cần thiết cho tất cả các nghiệp vụ ngân hàng để hạn chế rủi ro.

Thời gian qua, để góp phần ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tội phạm lợi dụng tài khoản thanh toán, Ví điện tử cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp, đặc biệt hành vi mua, bán tài khoản thanh toán, sử dụng tài khoản không chính chủ, tài khoản “ảo” cho mục đích bất hợp pháp, trong đó có hoạt động tín dụng đen, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư trong ngành ngân hàng. Trong đó, có làm sạch dữ liệu khách hàng; xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử; Triển khai giải pháp chấm điểm tín dụng tại các tổ chức tín dụng…

Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản thanh toán “rác”, không chính chủ bằng cách sửa đổi quy định về mở, sử dụng tài khoản thanh toán; áp dụng xác thực giao dịch bằng yếu tố sinh trắc học đối với hạn mức giao dịch nhất định.

Chúng tôi phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 về phương án chia sẻ trao đổi thông tin kịp thời giữa Cơ quan điều tra và NHNN để xây dựng Kho dữ liệu về danh sách khách hàng/tài khoản liên quan đến tội phạm và cơ chế cho phép TCTD được khai thác thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.

Vậy Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp gì để phát triển các kênh cho vay tiêu dùng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen?

- NHNN chủ trương mở rộng tín dụng tiêu dùng phù hợp với xu hướng của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh và tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân.

Thứ nhất, NHNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng.

Thứ 2, NHNN thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng cho mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại... triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng gắn với các nhóm khách hàng đặc thù với lãi suất, mức vay và thời gian vay ưu đãi, như: Gói 5.000 tỉ đồng của Agribank triển khai chương trình cho vay tiêu dùng, đến nay doanh số cho vay gần 80.000 tỉ đồng (gần 870.000 lượt khách hàng vay); Gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỉ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động... Theo báo cáo của 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn, hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai.

Ba là, NHNN tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thực tế giải ngân gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay công nhân, người lao động với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường ra sao, thưa bà?

- Đến hết tháng 9.2023, HDSaison và FE Credit đã giải ngân được khoảng 9.100 tỉ đồng. Trong đó HD Saison giải ngân 6.300 tỉ đồng và FE Credit giải ngân 2.800 tỉ đồng.​

Chương trình cho vay thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và sự phối hợp của Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn các cấp và các công đoàn cơ sở với các công ty tài chính trong việc giải quyết khó khăn tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, của công nhân tại các khu công nghiệp.

Tùy theo sản phẩm mà khách hàng lựa chọn, mức độ hợp tác của LĐLĐ từng địa phương và trên cơ sở thẩm định khả năng trả nợ của công nhân, các tổ chức tín dụng áp dụng mức cho vay, thời hạn cho vay và lãi suất phù hợp. Ưu đãi lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường của 2 công ty tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn