MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh: Vũ Long

Quy chế phối hợp để xuất khẩu gỗ đạt 12,5 tỉ USD năm 2020

Vũ Long LDO | 01/09/2020 17:05
Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội gỗ và lâm sản sẽ hỗ trợ xuất khẩu gỗ đạt mức 12,5 tỉ USD.

Sáng 1.9.2020, Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bên.

Phát biểu tại lễ ký kết quy chế phối hợp, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh:

Theo ông Đỗ Xuân Lập, quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là một trong những bước đột phá trong việc hình thành các kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ngành gỗ đang có nhiều thay đổi.  

Quy chế phối hợp sẽ tập trung vào trao đổi và phối hợp thông tin về chế biến thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng. Quy chế bao trùm toàn bộ các khía cạnh đang có sự phát triển năng động nhất và cũng bao gồm các khía cạnh hiện đang có nhiều rủi ro nhất, đòi hỏi cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có sự quan tâm đặc biệt. 

“Thực hiện quy chế có hiệu quả sẽ là hình mẫu trong việc xây dựng chính sách và thực thi chính sách, nhằm tăng cường cơ hội và giảm rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh cung – cầu thế giới đang có rất nhiều biến động như hiện nay” – ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh. 

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số; ngành ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu của chuỗi cung, và một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu…

Sự năng động của ngành còn thể hiện qua khía cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, về các khía cạnh như tính hợp pháp của gỗ, các khía cạnh về môi trường, xã hội, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc…

Trong những năm gần đây, bối cảnh vĩ mô toàn cầu đã và đang có những thay đổi rất lớn và điều này tác động trực tiếp đến ngành. Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung làm thay đổi cục diện thương mại gỗ toàn cầu, tạo ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt. Tuy nhiên, ông Lập cũng khẳng định: Cơ hội này cũng song hành với các rủi ro trong gian lận thương mại, là vấn đề rất nóng của ngành gỗ hiện nay. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra tác động tiêu cực tới tất cả các khâu trong ngành.

Tuy nhiên, đại dịch cũng tạo ra cơ hội cho ngành để hình thành các suy nghĩ về tái cấu trúc ngành ứng phó với tình hình mới. Sự năng động và phát triển bền vững của ngành phụ thuộc hoàn toàn vào việc nắm bắt các cơ hội mới và giảm thiểu các rủi ro, tái cấu trúc ngành theo hướng này trong tương lai.

Để làm được điều này, sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò tiên quyết. Các hoạt động xây dựng chính sách cần được dựa trên thực tiễn của doanh nghiệp nói riêng và chủ thể tham gia các khâu của chuỗi cung nói chung.

Ông Đỗ Xuân Lập đánh giá cao về Quy chế phối hợp. Ảnh: Vũ Long

"Chính sách gần với thực tế, phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và các bên liên quan, sẽ có cơ hội đi vào cuộc sống và đạt được tính bền vững trong thực hiện" - ông Đỗ Xuân Lập nói.

Quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 tỉ USD

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp Bùi Chính Nghĩa, bên cạnh những thuận lợi, ngành gỗ còn đối mặt với hàng loạt thách thức; trong đó, tác động của bệnh dịch COVID-19 theo dự báo còn kéo dài sang năm 2021 sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia lớn và của thế giới;

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa chấm dứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, dự báo tăng trưởng thấp hơn; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại các quốc gia phát triển. Sự gia tăng các dự án FDI chế biến gỗ vào Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiềm ẩn rủi ro về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Ông Nghĩa cho rằng, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nguy cơ các doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo, vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, ngành gỗ khẳng định sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 12,5 tỉ USD trong năm 2020, bất chấp dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn