MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được không?

Cường Ngô LDO | 25/01/2024 06:00

Nhiều thời điểm trong năm 2022, chiết khấu - mức hoa hồng đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - giảm xuống 0 đồng, khiến nhiều đơn vị bán lẻ thua lỗ, thậm chí đóng cửa. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ đề xuất cần có mức chiết khấu cố định cho họ khi xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Cần quy định mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng - cho biết, việc duy trì chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng là một phần nguyên nhân dẫn tới nguồn cung xăng dầu trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy tại một số địa phương.

Do đó, ông đề nghị phải quy định tỉ lệ chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong giá bán lẻ - tối thiểu 1.000 đồng/lít căn cứ trên chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu và các thông tư, văn bản liên quan.

Theo ông Thắng, chiết khấu là phần mềm, linh động, sẽ được thỏa thuận giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, là phần gia tăng thêm tùy thời điểm tùy thỏa thuận.

Về tỉ lệ đề xuất phân chia tỉ lệ chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở tính đến thời điểm hiện nay, ông Thắng đề xuất đối với doanh nghiệp bán lẻ có mức chiết khấu từ 1.100 đồng/lít - 1.300 đồng/lít.

Hoặc, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ phải đạt 7% trên tổng giá bán lẻ. Tỉ lệ này có thể thay đổi khi cơ quan quản lý Nhà nước thay đổi chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức. Chiết khấu thương mại sẽ được thực hiện theo quy định về chiết khấu tại Luật thương mại và theo thỏa thuận giữa các chủ thể.

Để làm được điều này, ông Thắng cho rằng, phải tính đúng, đủ chi phí kinh doanh bán lẻ, chi phí kinh doanh bán buôn để làm cơ sở phân chia tỉ lệ hợp lý giữa các chủ thể kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp đầu mối gian lận để hưởng lợi nghìn tỉ đồng, trong khi doanh nghiệp bán lẻ hưởng chiết khấu 0 đồng. Ảnh: Phan Anh

Đã nhiều lần đấu tranh nhưng không đạt được kết quả

Sở dĩ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị có chi phí, lợi nhuận định mức cố định là bởi, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hưởng mức chiết khấu rất thấp, thậm chí 0 đồng, trong khi doanh nghiệp đầu mối vẫn hưởng lợi.

Điều này cũng được chỉ ra rất rõ tại kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong vấn đề điều hành, kinh doanh xăng dầu do Thanh tra Chính phủ ban hành.

Theo kết luận, trong 5 năm qua, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã mua bán xăng dầu với nhau để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá lên tới 9.770 tỉ đồng. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu.

Điều này là một trong những nguyên nhân khiến đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp bán lẻ nói, họ đã nhiều lần đấu tranh nhưng không đạt được kết quả. Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, ban hành hồi tháng 11.2023, cũng chưa giải quyết được câu chuyện này.

Vì thế, khi góp ý với Bộ Công Thương về điểm còn bất cập trong kinh doanh xăng dầu để xây dựng một nghị định mới thay thế các quy định hiện nay theo yêu cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục kiến nghị cần có mức chiết khấu cố định cho họ trong cơ cấu tính giá cơ sở. Phần chi phí này là cần thiết để doanh nghiệp duy trì kinh doanh.

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam - cũng đồng tình với việc khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu cần áp dụng chi phí và lợi nhuận định mức cho các khâu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm doanh nghiệp đầu mối - sản xuất, phân phối và bán lẻ.

Theo đó, chi phí và lợi nhuận định mức cho tổng 3 khâu là 1.350 đồng/lít. Việc phân chia sẽ do liên bộ Công Thương - Tài chính tính toán, quyết định.

Trả lời về phần chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ, Bộ Công Thương cho biết, chiết khấu cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để mở rộng thị phần của mình.

Hiện nay, thương nhân tham gia trong chuỗi kinh doanh xăng dầu dưới các loại hình: thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

"Nếu quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu thì cũng phải quy định tương tự cho các loại hình thương nhân khác trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Quy định như vậy sẽ hạn chế tính linh hoạt cũng như hạn chế sự cạnh tranh về chi phí giữa các thương nhân", Bộ Công Thương cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn