MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp tác xã là nguồn nội lực xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Ảnh minh họa: VGP

Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương cho vay hơn 1.000 tỉ đồng

Minh An LDO | 25/12/2023 16:46

Ước tính đến hết năm 2023, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương đã ký hợp đồng cho vay đạt 1.157 tỉ đồng, giải ngân với số tiền 1.067 tỉ đồng. Dư nợ cuối năm ước đạt 518 tỉ đồng.

Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 25.12, ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết: Về tình hình cho vay, kể từ khi thành lập đến nay, ước tính đến hết năm 2023, Quỹ Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền ký hợp đồng cho vay đạt 1.157 tỉ đồng, giải ngân với số tiền 1.067 tỉ đồng. Dư nợ cuối năm ước đạt 518 tỉ đồng.

Đối với các Quỹ địa phương, ước đến hết năm nay đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỉ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt hợp tác xã; 2.200 lượt tổ hợp tác và 750.000 lượt thành viên hợp tác xã. Ước dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỉ đồng.

Theo đại diện Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nhìn chung, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ; tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và an sinh xã hội tại các địa phương.

Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”. Ảnh: Khánh Lam

Trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (quỹ địa phương).

Tuy nhiên, tổ chức hoạt động các Quỹ địa phương rất khác nhau do chưa có khung khổ pháp lý thống nhất. Nhiều tỉnh, thành phố ngân sách thực sự khó khăn, chưa thể bố trí vốn nên chưa cho chủ trương hoặc chờ bố trí được ngân sách mới cho chuyển đổi; một số tỉnh đề xuất vào thời điểm kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, việc bổ sung hàng năm khó khăn do phụ thuộc vào nguồn tăng thu ngân sách địa phương.

Trước các khó khăn nêu trên, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất các cơ quan trung ương cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro của các Quỹ như đối với tổ chức tín dụng, theo đó khấu trừ vào dư nợ gốc trước khi trích lập dự phòng rủi ro tất cả các loại tài sản bảo đảm đã thế chấp tại Quỹ.

Để phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trong quản lý, điều hành Quỹ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, đối với các tỉnh, thành phố chưa có chủ trương cụ thể, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét thành lập mới;

Đồng thời sắp xếp lại quỹ theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổ chức bộ máy hoạt động độc lập (không thực hiện ủy thác cho định chế tài chính khác), giao Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh trực tiếp quản lý điều hành, đồng thời cho phép lãnh đạo Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch, Giám đốc quỹ. Không sáp nhập Quỹ với các định chế tài chính khác trên địa bàn.

Với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Quỹ, kính đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo quyết liệt sớm hoàn thiện Đề án thành lập, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ, tạo điều kiện cho các chủ thể trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng của Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn