MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ảnh: C.N

Quy hoạch Điện VIII: Không thể chậm trễ hơn

Cường Ngô thực hiện LDO | 02/05/2021 08:00

Sau khi xin ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia, Quy hoạch Điện VIII đã được hội đồng thẩm định thông qua vào ngày 18.3 và đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Liên quan vấn đề này, Báo Lao Động đã có trao đổi với ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Hội đồng thẩm định thông qua với số phiếu tuyệt đối 26/26. Nhưng trong đó, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án. Cụ thể, đơn vị soạn thảo cần bổ sung những gì trước khi trình lên Thủ tướng? Các công việc cần làm tiếp theo là gì?

- Những nội dung cần bổ sung liên quan đến các chính sách, định hướng lớn như tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn tới, hệ số đàn hồi điện, cách thức mô phỏng chương trình phát triển nguồn điện với các kịch bản đề xuất, những nghiên cứu sâu hơn về năng lượng sinh khối trong quy hoạch điện, giải pháp đặt ra khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn trong hệ thống điện, công nghệ tích trữ năng lượng trong tương lai....

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ Công Thương đã hoàn thiện toàn bộ nội dung đề án, hoàn thiện tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII. Ngày 26.3.2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 1682 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII, kèm theo dự thảo Quyết định.

Trong hơn 2 năm qua đã có gần 19.000MW điện mặt trời vào vận hành và chúng ta đã được chứng kiến những điểm nghẽn không mong đợi. Vậy, nên phát triển năng lượng tái tạo với tỉ trọng ra sao để hệ thống điện vận hành an toàn lẫn kinh tế, thưa ông?

- Các năm giai đoạn 2018-2020, Bộ Công Thương đã rà soát tiến độ nguồn điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, kết quả cho thấy hầu hết các nguồn nhiệt điện đều chậm tiến độ 1-2 năm, thậm chí một số dự án bị chậm đến 4-5 năm.

Tại miền Nam, nguồn nhiệt điện than có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, nhất là giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, các dự án như Long Phú I (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Long Phú III (1.800 MW), Vĩnh Tân III (1.980 MW), Vân Phong I (1.320 MW)... đều chậm tiến độ, không thể đưa vào vận hành trước năm 2023. Bên cạnh đó, một số dự án nhiệt điện than khác, mặc dù đã được duyệt trong quy hoạch, nhưng không được thực hiện như: Long An I (1.200 MW), Long Phú II (1.320 MW), Vũng Áng III (1.200 MW).

Các dự án điện khí LNG Sơn Mỹ II (2.250 MW) dự kiến đưa vào vận hành trong các năm 2023-2024 bị chậm sang sau 2025. Các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh cũng có nguy cơ chậm tiến độ 2-3 năm so với quy hoạch.

Để đảm bảo không thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp (nhập khẩu điện, tiết kiệm điện, đưa nhà máy điện Hiệp Phước hoạt động trở lại), trong đó, có giải pháp phát triển năng lượng tái tạo.

Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ; các dự án năng lượng tái tạo còn có thể thi công nhanh, kịp thời đưa vào vận hành ngay trong giai đoạn 2021-2023, tận dụng tiềm năng thiên nhiên của đất nước mà không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, thân thiện với môi trường.

Việc quy hoạch các dự án nguồn điện (trong đó có điện mặt trời) đều được thực hiện đồng bộ với quy hoạch lưới điện. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, tiến độ xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ nhanh hơn nhiều tiến độ xây dựng công trình lưới điện, do đường dây thường kéo dài, đi qua nhiều khu vực, địa bàn nên vướng mắc trong quá trình thỏa thuận, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống lưới điện do EVN và các đơn vị thành viên đầu tư phải tuân theo đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục theo quy định, dẫn đến khó thỏa thuận với người dân khu vực dự án so với chủ đầu tư dự án nguồn là đơn vị tư nhân có cơ chế giải phóng mặt bằng và thỏa thuận với dân linh hoạt. Do đó, thời gian qua (năm 2019) còn tồn tại quá tải cục bộ tại một số khu vực (chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận) dẫn đến một số nhà máy điện mặt trời, điện gió phải cắt giảm công suất.

Tính đến hết năm 2020, tổng công suất nhà máy điện mặt trời là 8.852MW. Đến đầu năm 2021, khi các công trình lưới điện đấu nối đưa vào vận hành đã cơ bản đảm bảo khả năng giải tỏa các dự án điện đã vào vận hành và không còn tình trạng nghẽn mạch do quá tải.

Đối với cơ cấu năng lượng tái tạo để đảm bảo an toàn hệ thống: Bộ Công Thương đã nghiên cứu cơ cấu hợp lý các nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26.3.2021, trong đó đã xác định cơ cấu các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện chất thải rắn, thủy điện nhỏ) các giai đoạn để vừa đảm bảo ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, vừa an toàn vận hành hệ thống điện khi có sự tham gia các nguồn khác (thủy điện vừa và lớn, điện khí, nhiệt điện than…). Cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 đạt 32,4-41,4%.

Có giải pháp để thu hút đầu tư cho ngành điện

Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người ở Việt Nam đang ở khoảng 2.000kWh/người/năm. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đồng nghĩa với mức tiêu thụ điện phải nâng lên tầm 6.000kWh/người/năm như nước khác. Dự thảo cũng đặt mục tiêu thu hút 12-13 tỉ USD/năm. Làm thế nào để hiện thực hoá kế hoạch này và đơn vị soạn thảo có tính đến các phương án rủi ro hay không?

- Quy hoạch Điện VIII được xây dựng bài bản, công phu, đạt được nhiều kết quả như đã dự báo được nhu cầu điện tới năm 2045, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế của quốc gia tới năm 2045;

Đánh giá được tiềm năng năng lượng sơ cấp, đề xuất được kịch bản phát triển nguồn điện phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là tuân thủ đúng định hướng ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đưa tỉ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 32,4-41,4% vào năm 2030 và khoảng 45,8-46,5% vào năm 2045;

Thêm vào đó, để đảm bảo chủ động trong công tác điều hành của Chính phủ, Quy hoạch điện VIII đã bổ sung thêm phương án cao có tính đến sự chậm trễ của một số nguồn điện lớn. Đây là phương án sử dụng các kết quả dự báo phụ tải của phương án cao nhưng có các nguồn điện lớn sử dụng khí của mỏ khí Cá Voi Xanh và khí lô B bị chậm tiến độ, một số nguồn điện sử dụng khí LNG có thể chậm sau năm 2025.

Để có thể thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, nhiều nhóm giải pháp đã được đề xuất trong Quy hoạch điện VIII, gồm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, về chính sách pháp luật, giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu; giải pháp về giá điện; giải pháp về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện.

Các cơ chế và giải pháp thực hiện quy hoạch nêu trong Quy hoạch điện VIII sẽ hướng tới giải quyết những vướng mắc từng gặp trong các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn trước. 3 nhóm cơ chế và 11 giải pháp cụ thể được đề xuất sẽ giúp cho việc triển khai các dự án điện trở nên khả thi hơn, minh bạch hơn, đồng thời giúp ngành điện có nhiều cơ hội hơn để thu hút các nhà đầu tư, đảm bảo triển khai đúng tiến độ và đúng quy hoạch.

- Cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn