MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quy hoạch mới Hạ Long: Vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối

Nguyễn Hùng LDO | 11/02/2023 11:35

Quảng Ninh - Theo quy hoạch chung TP.Hạ Long đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Theo quy hoạch, Hạ Long sẽ trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thể giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Phát triển TP.Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc của thành phố.

Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quy hoạch cũng đưa ra mô hình, cấu trúc phát triển của TP.Hạ Long. Theo đó, TP.Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 vùng, gồm: Vùng vịnh Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, vùng đồi núi phía Bắc; 1 hành lang ven vịnh Hạ Long và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Cụ thể, vùng vịnh Hạ Long là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long theo quy định của Luật Di sản văn hóa, kết nối không gian phát triển gắn với vịnh Bái Từ Long, vịnh Lan Hạ thuộc đảo Cát Bà của Hải Phòng.

Vùng phía Đông sẽ là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của TP.Hạ Long; khu vực có vùng khai thác khoảng sản.

Vùng phía Tây là vùng đô thị phát triển mở rộng gắn với các chức năng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, dịch vụ cảng và công nghiệp công nghệ cao; trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng...

Rừng ngập mặn ở phía Bắc vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao…

Vùng đồi núi phía Bắc là khu vực nông thôn, đồi núi gắn với các chức năng bảo tôn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp; du lịch sinh thái cộng đồng.

Về định hướng không gian phát triển, đối với khu vực ven vịnh Hạ Long, sẽ phát triển đô thị hài hòa, nhằm phát huy giá trị của vịnh Hạ Long, tạo dựng một không gian đô thị du lịch có bản sắc, tầm cỡ quốc tế.

Kiểm soát hành lang ven biển, giới hạn các khu vực lấn biển; quản lý chặt chẽ các công trình ven vịnh Hạ Long về kích thước khối tích, chiều cao và hình thái kiến trúc.

Cảng nước sâu Cái Lân bên bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đối với không gian ven vịnh Cửa Lục, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Bắc, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm; các khu vực phát triển đô thị xung quanh không gian vịnh Cửa Lục cần được kiểm soát phát triển để tạo không gian cảnh quan xung quanh vịnh. Quản lý không gian mặt nước vịnh Cửa Lục để bố trí các luồng đường thủy, khu vực neo đậu tàu, thuyền, khu vực vui chơi giải trí trên mặt nước, đảm bảo hệ sinh thái dưới nước được phát triển. Bảo vệ và mở rộng diện tích rừng ngập mạnh thành các công viên sinh thái ngập nước; khai thác các khu vực hoàn nguyên khai thác than để phát triển các công viên chuyên đề, sân golf và dịch vụ du lịch.

Vịnh Cửa Lục, rộng 18km2, chỗ sâu nhất 17m, là nơi hội tụ của 6 cửa sông từ huyện Hoành Bồ cũ đổ ra. Vịnh Cửa Lục nằm giáp với vịnh Hạ Long, cửa thông ra vịnh Hạ Long rộng khoảng 1 km. Trước đây, khi chưa có cầu Bãi Cháy, việc đi lại qua hai bờ eo biển vịnh Cửa Lục phải phụ thuộc vào phà Bãi Cháy.

Để góp phần “đánh thức” vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 2 cây cầu lớn bắc qua vịnh Cửa Lục, trong đó cầu Tình Yêu đã được đưa vào sử dụng; cầu Cửa Lục 3 dự kiến sẽ khánh thành trong năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn