MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biến đổi khí hậu khiến xâm nhập mặn vào sâu, cây trồng chết khô tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Kỳ Quan

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Mô hình cũ không còn phù hợp

Vũ Long LDO | 24/11/2020 07:24

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có nhiều thay đổi mang tầm chiến lược để phù hợp với điều kiện mới.

Thủy sản không còn là ưu tiên hàng đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, thay cho việc đề cao thủy sản, sẽ chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn để tăng trưởng kinh tế vùng, đảm bảo an sinh xã hội phù hợp với tình hình mới.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp từ lúa, thủy sản trước đây được coi là hàng đầu sẽ xếp sau, mặc dù hiện nay rất nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn ưu tiên cho phát triển thủy sản.

Bộ KHĐT nhấn mạnh: Cách nhìn nhận, đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường đều cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tổn thương nhiều, hình thái thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, thì mô hình này không còn phù hợp.

Kết hợp nhiều dịch vụ, phát huy lợi thế vùng

“Mấy năm gần đây tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chậm lại so với các vùng khác vì dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp có tỉ lệ đóng góp cũng như tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó yêu cầu đặt ra đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng phát triển và là vùng động lực của cả nước” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Chính vì vậy, để phát triển vùng ĐBSCL, cần dựa trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ...

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình trồng lúa không còn là ưu tiên hàng đầu tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Kỳ quan.

Để làm được điều này, thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điều chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt.

Đây chính là điểm mới trong quy hoạch vùng ĐBSCL trong những thập niên tới. Bộ KHĐT đã tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.

“Quy hoạch vùng ĐBSCL, phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt, kết hợp phát triển tập trung và đầu tư hạ tầng đồng bộ. Đây là những điểm mới để có bản quy hoạch có chất lượng để phục vụ cho sự phát triển của vùng ĐBSCL” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Việt Nam nói chung và ĐBSLC nói riêng cần thay đổi về tư duy an ninh lương thực, về làm nông nghiệp là cứ phải tập trung làm lúa gạo. Thay vào đó nên hướng đến nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn

(TS Hoàng Ngọc Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Hội khoa học kinh tế Việt Nam)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn