MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy hoạch vùng mía bán chục để “cứu” nông dân

TRẦN LƯU LDO | 06/03/2021 07:35

Mía bán chục có giá cao hơn nếu bán cho nhà máy đường từ 500-600 đồng/kg. Cơ quan chức năng đang tính đến chuyện quy hoạch vùng mía bán theo hình thức này để “cứu” nông dân…

Suốt một thời gian dài, ngành mía đường ở ĐBSCL rơi vào cảnh kiệt quệ chưa từng có.

Từ đồng ruộng, nông dân liên tiếp thua lỗ; trong khi ở nhà máy đường thì điêu đứng với đường lậu.

Tại Hậu Giang, thời hoàng kim, tỉnh này có 13.000-14.000 ha trồng mía, với giá bán lên tới 1.000 đồng-1.100 đồng/kg. Nhưng giờ đây giá mía có thời điểm đã xuống tới mức dưới 500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của nông dân đã gần 700 đồng/kg. Nhiều năm thua lỗ đã khiến người nông dân khổ sở.

Diện tích trồng mía ở Hậu Giang hiện đã giảm hơn một nửa.

Thu hoạch mía ở Hậu Giang. Ảnh: TR.L

Vùng ĐBSCL với khí hậu 2 mùa mưa và nắng, vào mùa nắng nóng khô hạn kéo dài, nhu cầu sử dụng nước mía giải khát của người dân rất cao. Từ đây, nông dân trồng mía đã chuyển sang hình thức bán mía chục.

Mía chục tức là 10 cây mía, người nông dân trồng lâu năm, nên có thể ước tính trọng lượng mỗi cây mía là bao nhiêu. Hình thức bán này không cần phải cân, người bán chỉ cần ước tính trọng lượng, rồi quy theo giá đã được thống nhất.

Một điểm thua mua mía chục ở Cần Thơ, sau đó bán lại cho các điểm giải khát. Ảnh: Thành Nhân

Hiện mía chục được mua với giá khoảng từ 1.500-1.700 đồng/kg tương đương khoảng 17-20 triệu/công mía, thương lái tự thuê nhân công thu hoạch.

Với giá bán và năng suất dao động từ 9-10 tấn/công, trừ hết chi phí người trồng mía đạt lợi nhuận hơn 8 triệu đồng/công, thay vì toàn thua lỗ so với bán cho nhà máy.

Thương lái sau khi mua mía chục sẽ bán lại cho các điểm bán nước giải khát.

Một người dân chuẩn bị đi giao mía chục cho các điểm giải khát. Ảnh: Thành Nhân

Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, niên vụ vừa rồi có 4.700ha trồng mía, trong đó, có hơn 40% diện tích được nông dân bán mía chục, với giá cao hơn bán cho nhà máy mía đường từ 500-600 đồng/kg và không tốn chi phí nhân công thu hoạch, vì việc này thương lái tự lo liệu. Trước mắt, huyện sẽ quy hoạch khu vực xã Phụng Hiệp làm vùng nguyên liệu mía bán chục, với gần 500ha, nếu có hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, việc bán mía chục đang giúp nông dân có thu nhập tốt hơn so với cách bán truyền thống cho nhà máy.

Tuy nhiên, mọi định hướng đều sẽ phải cẩn trọng, bởi kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, nếu nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến những hệ lụy về thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn