MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Tài chính yêu cầu quản lý chặt nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: M.H.

Rà soát quản lý chặt vốn ODA, vốn vay nước ngoài trong năm 2022

TRÍ MINH LDO | 05/01/2022 16:30
Hà Nội - Ngày 5.1, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong năm 2022 quản lý hiệu quả vốn ODA, vốn vay nước ngoài, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát để thanh toán, trả nợ đúng hạn. 

Cụ thể, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai công tác năm 2022 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ. Năm 2021, nợ công khoảng 43,7% GDP; nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 39,0% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách dưới 23%; Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) khoảng 6,3%, đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn.

Đáng chú ý, trong năm 2021, đơn vị đã triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và công tác quảng bá với các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô - nợ công. 

Theo đó, trong bối cảnh có hơn 30 lượt quốc gia bị hạ bậc hệ số tín nhiệm, 25 lượt hạ triển vọng xuống Tiêu cực, Việt Nam vẫn giữ vững được xếp hạng tín nhiệm và được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng triển vọng lên mức Tích cực. 

Chỉ đạo về định hướng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu Cục cần tiếp tục quản lý hiệu quả vốn ODA, vốn vay nước ngoài, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Công tác thẩm định các chương trình, dự án cần chặt chẽ, làm rõ sự cần thiết của các dự án, cơ chế tài chính đảm bảo hiệu quả.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại phối hợp với các bộ, ngành để giải ngân vốn nhanh, tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án. Đồng thời, tiến hành trao đổi, đàm phán với nhà tài trợ về trình tự giải ngân rút vốn cho phù hợp; các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái, rút tiền về tài khoản đặc biệt...

Bên cạnh đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát để thanh toán, trả nợ đúng hạn, nhất là nợ dự phòng; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới trong công tác quản lý vốn viện trợ không hoàn lại, rà soát lại quy trình để hướng dẫn các địa phương, bộ ngành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn