MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp rà soát vướng mắc trong quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Ảnh: Bộ Tư pháp

Rà soát quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

TRÍ MINH LDO | 16/07/2024 15:48

Ngày 16.7, Bộ Tư pháp cho biết đã tổ chức cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành về quy trình hiện hành trong thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức cuộc họp với đại diện của 7 bộ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để rà soát, đánh giá vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành về quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) Hồ Quang Huy cho biết, đây là vấn đề có tính chất phức tạp, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Do vậy, việc các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng rà soát, phân tích, đánh giá thận trọng, toàn diện, tổng thể vấn đề là hết sức cần thiết, mang lại giá trị thiết thực.

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, kịp thời có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn về thể chế, quy trình, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành hiện nay.

Trên cơ sở báo cáo kết quả tổng hợp, nghiên cứu bước đầu và mô hình hóa quá trình triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất do đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL trình bày, đa số các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí với việc cần thận trọng rà soát toàn diện quy trình để phát hiện vướng mắc phát sinh trong từng khâu, từng công đoạn của quá trình thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Từ đó xác định vấn đề pháp lý cần phải xử lý, phân nhóm và cụ thể tiêu chí để hình thành phương án xử lý phù hợp. Các bộ, ngành có liên quan đã xem xét trực tiếp đối với các dự án thuộc thẩm quyền, đồng thời phối hợp với các bộ, cơ quan khác cùng nghiên cứu, cân nhắc các biện pháp điều chỉnh cụ thể, đồng bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn