MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợn giống được nhập khẩu từ Thái Lan về để hỗ trợ tái đàn. Ảnh: Văn Giang

Ráo riết nhập lợn Thái Lan, giá lợn hơi trong nước vẫn khó giảm sâu

Vũ Long LDO | 20/06/2020 10:06
Mỗi ngày có khoảng 7.000-9.000 con lợn được nhập khẩu tiểu ngạch về Việt Nam, tuy nhiên giá lợn hơi trong nước vẫn giảm rất "nhỏ giọt".

Giá lợn giảm không như kỳ vọng

Cách đây đúng 2 tuần (ngày 8.6), giá lợn hơi bán ra tại miền Bắc ở mức 94.000-97.000 đồng; ở miền Trung và miền Nam: 90.000-96.000 đồng.

Tính đến ngày 20.6, giá lợn hơi đã giảm 10.000 đồng/kg. Đặc biệt; giá lợn miền Bắc từ mức cao vô lý (có thời điểm một số địa phương giá lên đến 104.000 đồng/kg) thì nay đã giảm xuống còn 88.000-90.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, khi quyết định nhập lợn sống về Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) kỳ vọng giá lợn hơi sẽ giảm nhanh và giảm sâu hơn nữa. Thế nhưng, từ 2 ngày nay, mức giảm đã chững lại, thậm chí có địa phương giá tăng nhẹ trở lại khoảng 1.000 đồng/kg.

Lý do giá lợn hơi khó giảm sâu, theo Bộ NNPTNT, bởi nguồn lợn trên thị trường thế giới khan hiếm. Mặt khác, nông dân Thái Lan khi thấy Việt Nam nhập khẩu lợn hơi cũng đẩy giá lên cao để kiếm lời. "Từ chi phí giá thành chăn nuôi 50.000-52.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thái Lan đã bị đẩy lên thành 62.000-63.000 đồng/kg" - ông Phạm Trần Sum - Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển về đến Việt Nam, chi phí cho mỗi con lợn 100kg bị đội lên khoảng 1,3-1,5 triệu đồng, đẩy giá lợn hơi khi nhập về Việt Nam lên khoảng 80.000-82.000 đồng/kg, khiến giá lợn hơi trong nước khó giảm sâu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn cũng cho rằng, giá lợn khó giảm sâu trong thời gian tới, bởi chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học đòi hỏi chi phí cao; tỉ lệ tái đàn đang chậm lại do dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp khiến nguồn cung chưa thể tăng nhanh...

Hỗ trợ doanh nghiệp nhập 1 triệu con lợn

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá thành chăn nuôi của các hộ nhỏ lẻ đã lên tới 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi tại các doanh nghiệp lớn chỉ khoảng khoảng 55.000 đồng/kg. Vì vậy, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh tái đàn đóng một vai trò rất lớn, bởi chi phí chăn nuôi thấp mới có thể hạ được giá thành bán ra.

Phun hóa chất khử trùng lợn nhập khẩu từ Thái Lan. Ảnh: Văn Giang

Theo Bộ NNPTNT, hiện đã có khoảng gần 1 triệu con lợn được đăng ký nhập khẩu về Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ chính sách, cơ chế để giảm chi phí (ví dụ được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được tiếp nhận và chở thẳng lợn từ cửa khẩu Thái Lan…), thì giá lợn nhập khẩu sẽ giảm nhiều, giúp giá bán ra “mềm” hơn, góp phần giảm giá lợn hơi.

Được biết, vì có quá nhiều chi phí nên hiện nay tại lợn hơi nhập khẩu chính ngạch không nhiều. Nguồn tin từ thương nhân cho biết, lợn nhập tiểu ngạch đang được lái buôn thuê người dân chở bằng thuyền qua sông Sêpôn, việc chở lợn vào sâu nội địa Việt Nam sẽ do các “đầu nậu” lo.

Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt chi phí nhập khẩu lợn cần được Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng xem xét, quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn