MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăn nuôi lợn đang chuyển dần sang hướng an toàn sinh học. Ảnh: Giang Nguyễn

Rất nhiều “nút thắt” lớn cần tháo gỡ để cứu ngành chăn nuôi lợn

Vũ Long LDO | 18/03/2022 10:06
Ngành chăn nuôi lợn đang đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển bền vững, hiện đại, giá trị cao, đủ cung ứng sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Những "nút thắt" lớn kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An, nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, khi chịu nhiều “nút thắt“ lớn: Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 trên người chưa biết bao giờ kết thúc, giá nguyên liệu đầu vào liên tục “phi mã” nhưng giá lợn hơi bán ra liên tục giảm…

“Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn gặp khó khăn như hiện nay, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều trong tình trạng thua lỗ khi giá nguyên liệu đầu vào đẩy giá thành tăng cao” – ông Nguyễn Văn Thành nói.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.

Chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ, nhiều rủi ro đang dần bị thu hẹp. Ảnh: Vũ Long
Sáng 18.3.2022, tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ: Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

“Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý, từ 2,6 triệu đồng giảm xuống 1,2 triệu đồng/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ” – ông Dương Tất Thắng nói.

 Ông Dương Tất Thắng cũng thừa nhận, sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường còn bất cập, tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi ở nước ta còn yếu, thiếu bền vững, vẫn còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu lực các cam kết trong hợp tác chăn nuôi (theo liên kết dọc và liên kết ngang) không cao và kém hiệu lực; các mô hình tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn ít…

“Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỉ trọng cao, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn hạn chế. Việc ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian”- ông Dương Tất Thắng nêu rõ.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi toàn diện và bền vững

Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP cho ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho chăn nuôi, trong đó có các "ông lớn" của Việt Nam như: Tân Long, Masan, Dabaco, Trường Hải, Hòa Phát, Xuân Thiện, Phú Gia..., bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp nước ngoài như CP, De Heus, Japfa Comfeed..., và các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.

Do đó, sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu này đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi ngày càng nhanh và hiệu quả. Chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp ngày càng tăng, số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ đang giảm dần.

Các nhân tố mới, mô hình mới về chăn nuôi đang phát triển mạnh, đặc biệt là mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi khép kín sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi đến giết mổ và phân phối ra thị trường. Từ đó, xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn.

Ngành chăn nuôi cũng đang hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ và phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn