MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rau rừng Tây Ninh “trúng đậm” dịp Tết Mậu Tuất

ĐÔNG ANH LDO | 20/02/2018 11:41

Từ những loại rau ăn kèm với 2 món ăn đặc sản là bánh tráng cuốn thịt heo và bánh canh, các loại rau rừng của vùng đất Tây Ninh nắng cháy đã trở thành thương phẩm tại các siêu thị, nhà hàng nổi tiếng ở TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ... Và, trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, rau rừng Tây Ninh đã “trúng đậm”.

Ông Lê Văn Dĩ (trú ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cho biết: Cách đây hơn một năm, nhu cầu rau rừng không thể thiếu trong 2 món ăn đặc sản của huyện Trảng Bàng, là món bánh tráng cuốn thịt heo và bánh canh tăng cao. Đó là các loại rau như: lá cóc, lá mặt trăng, rau chùm mối, lá bứa, rau quế vị, trâm ổi, trâm sắn, lá cách, lá chiếc, sơn máu, bí bái.v.v...

Hầu hết các loại rau trên đều mọc hoang dại trong rừng. Và, không biết tự bao giờ, người dân Tây Ninh đã hái chúng về ăn kết hợp với 2 món ăn trên, khiến các loại rau trở nên không thể thiếu và là đặc sản của vùng đất Tây Ninh. Thậm chí, có người cho rằng rau rừng còn là những vị thuốc rất tốt cho cơ thể con người...

Rau rừng phát triển rất mạnh ở vườn nhà ông Dĩ. Ảnh: T.N

Nảy sinh ý định nhân giống trồng các loại rau rừng để phục vụ thị trường, ông Dĩ bứng một số rau rừng về trồng thí điểm ở vườn nhà. Không ngờ, rau rừng phát triển rất tốt nên ông Dĩ nhân rộng 15 loại rau, trên diện tích gần 1 ha đất vườn. Theo ông Dĩ, trong năm 2017, cứ 2 tháng thu hoạch một lần, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, thu nhập từ vườn rau rừng là 100 triệu đồng...

Đặc biệt, trong dịp Tết Mậu Tuất, rau rừng “trúng đậm”, khi được các thương lái, nhà hàng đặt hàng trước để mang về phục vụ thực khách ở TPHCM và các tỉnh miền Đông.

Ông Dĩ cho biết: Rau rừng trồng rất dễ, không kén đất, không cần phải bón phân hay dùng thuốc trừ sâu. Chúng mọc rất tốt, bất chấp môi trường hay thời tiết khắc nghiệt.

Hiện các nhà hàng lớn ở TP HCM có nhu cầu dùng rau rừng để phục vụ thức khách rất lớn. Ảnh: H.H

Trong lúc đó, theo ông Trương Tấn Đạt – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng: “Chúng tôi đánh gia cao việc làm của ông Dĩ, nên đã hỗ trợ, giúp ông và 5 hộ dân khác thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát. Hiện tổ đã canh tác 15 loại rau rừng trên 1,8 ha, nhằm cung cấp cho thị trường. Rau rừng của tổ đã được cấp tiêu chuẩn VietGap và có mặt tại nhiều siêu thị Tây Ninh, TPHCM...”.

Ông Đạt cho biết thêm, sắp tới, chính quyền huyện Trảng Bàng tiếp tục vận động người dân sống ven bờ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc các xã An Hoà, Phước Lưu và Phước Chỉ mở rộng mô hình trồng rau rừng lên tới 15 ha. Đây cũng là việc làm góp phần giữ gìn và đưa 2 món ăn đặc sản (bánh tráng cuốn và bánh canh) của địa phương ngày một vươn xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn