MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc chiến ghế quyền lực tại Eximbank vẫn chưa có hồi kết. Ảnh chụp bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc tại ĐHĐCĐ Eximbank vừa qua.

Rối ren tranh chấp quyền lực, ghế nóng lãnh đạo Eximbank vẫn vô chủ

Sơn Phong LDO | 09/05/2019 19:28

Câu chuyện nhân sự cấp cao của Eximbank hiện đang là điểm nóng trong mùa Đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay. “Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank là ai?" là câu hỏi mà các cổ đông vẫn chưa có câu trả lời.

Rối ren nhân sự Eximbank

Mới đây, giữa cơn bão tranh chấp quyền lực chưa có hồi kết, Đại hội cổ đông của Eximbank tổ chức ngày 26.4 buộc tạm hoãn vì chỉ có 198 cổ đông, không đủ điều kiện tiến hành đại hội.

Thậm chí, trước thời điểm họp ĐHCĐ Eximbank, các nhà đầu tư vẫn “ngơ ngác” với câu hỏi “Tổng Giám đốc ngân hàng Eximbank là ai?”.

Các tờ trình HĐQT trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2019 vẫn được ký bởi ông Lê Minh Quốc. Trong khi đó, tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank lại không đề tên Tổng Giám đốc.

Tình trạng nhân sự của Eximbank “rối ren” khi hợp đồng lao động với Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết đã hết hạn từ ngày 5.4.2019.

Việc tranh giành chiếc ghế Chủ tịch HĐQT vẫn chưa có hồi kết giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Ngày 22.3.2019, Eximbank ra Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Ngày 22.3.2019, HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc.

Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT (nguyên Tổng giám Nam A Bank, bầu vào Thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018) giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc.

Cho rằng việc làm này của HĐQT Ngân hàng Eximbank là vi phạm pháp luật, cũng trong ngày 22.3.2019, ông Lê Minh Quốc đã có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi TAND TP.HCM với nội dung đề nghị: “Cấm thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của Ngân hàng Eximbank”.

Đồng thời, ông Quốc làm đơn khởi kiện vụ án dân sự về việc tranh chấp thành viên Công ty đối với 7 thành viên, gồm các ông, bà: Đặng Mai Anh; Lê Văn Quyết; Cao Xuân Ninh; Lương Thị Cẩm Tú; Hoàng Tuấn Khải; Yasuhiro Saitoh; Yutaka Moriwaki. Người có quyền lợi và nghĩa liên quan là Ngân hàng Eximbank. Điều đáng nói là, 7 bị đơn này nằm trong HĐQT của Ngân hàng Eximbank.

Ngày 27.3.2019, TAND TP.HCM ban hành Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Ngày 28.3.2019, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng Eximbank đã có Đơn khiếu nại số 1560/2019/EIB-TGĐ và ngày 29/3, Eximbank tiếp tục có Đơn khiếu nại bổ sung số 1579 với nội dung yêu cầu Tòa án hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27.3.2019 của TAND TP.HCM.

Cổ phiếu EIB “dậy sóng”

Trên sàn chứng khoán, từ cuối tháng 12.2018, cổ phiếu EIB của Eximbank đã tăng gần 25%.

Cùng với đó là những phiên giao dịch với khối lượng thỏa thuận cao đột biến.Thời điểm đầu tháng 4, có phiên giao dịch đột biến lên tới 40-60 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị gần nghìn tỉ đồng. 

Giá cổ phiếu EIB đã tăng 22% so với đầu năm 2019, đang giao dịch ở mức 17.150 đồng/cổ phiếu và liên tục trồi sụt theo diễn biến “nóng” từ cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông.

Năm 2019, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 30%, lên 1.077 tỉ đồng.

Tổng tài sản đạt trên 181.000 tỉ đồng, huy động vốn 143.500 tỉ đồng và dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 11% theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn