MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần.

Rốt ráo xuất hóa đơn xăng dầu, nhưng lúng túng vì không có quy chuẩn

Anh Tuấn LDO | 14/03/2024 06:00

Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần. Do vậy, chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang thúc phía đối tác hoàn thiện xong các giải pháp công nghệ để áp dụng xuất hóa đơn điện tử ngay trong tháng này, tránh bị thu hồi giấy phép.

Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), đến ngày 6.3, cả nước mới có 8.285 trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt hơn 52% trên tổng số cửa hàng.

Theo Tổng cục Thuế, hiện vẫn còn 30 địa phương có tiến độ triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đạt 50%. Cá biệt, còn 17 địa phương đạt tiến độ chậm như Tiền Giang, TPHCM, Nghệ An, Đồng Tháp...

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Ngày 13.3, khảo sát của phóng viên tại một cây xăng trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy, rất hiếm khách hàng yêu cầu cây xăng cung cấp hóa đơn bán lẻ. Do vậy, chỉ khi nào khách hỏi hóa đơn thì mới cấp, nhưng hầu hết khách hàng đi xe máy không hỏi, thi thoảng mới có tài xế ôtô yêu cầu cấp hóa đơn.

Tuy nhiên, vì lo bị rút giấy phép, cho nên nhiều cửa hàng xăng dầu đã rốt ráo tìm giải pháp công nghệ phục vụ cho việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán, song còn gặp vướng liên quan tới các vấn đề kỹ thuật.

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn khi thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu lớn đang đề xuất đưa chi phí này vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để có nguồn chi.

Bởi khi xuất hóa đơn điện tử từng lần bán sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong dài hạn, trong khi chiết khấu luôn ở mức hạn hẹp.

Nhân viên xuất hóa đơn ngay cho khách hàng sau khi mua xăng tại Petrolimex. Ảnh: PLX

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết, các giải pháp quản trị xăng dầu tại các doanh nghiệp như Igas, Egas… là giải pháp tương đối phù hợp để thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần.

Song, việc không có các quy trình tiêu chuẩn trong việc xuất hóa đơn điện tử từng lần trong xăng dầu - dẫn đến việc mỗi giải pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau, không đồng bộ, không tiêu chuẩn. Đây là khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, hiện nay, hóa đơn có mã hay không mã đều có giá trị như nhau. Do vậy, việc các đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử - quy định các gói hóa đơn từ 40 đồng đến 1.500 đồng/hóa đơn là không phù hợp với xu thế hóa đơn điện tử hiện tại.

Từ những khó khăn đó, ông Thắng kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh và công bố các quy trình tiêu chuẩn về xuất hóa đơn điện tử từng lần trong xăng dầu. Đồng thời công khai các đánh giá các giải pháp công nghệ hiện thực hiện để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dễ lựa chọn giải pháp phù hợp với các quy định hiện hành.

Tổng cục Thuế quyết liệt kiểm tra

Trong công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế chủ động lập các đoàn kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu về cơ quan thuế.

Đồng thời, căn cứ thực tế tại địa phương, yêu cầu các Cục Thuế chủ động tham mưu cho UBND chỉ đạo xem xét yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết ngày 31.3, nếu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử tại luật Quản lý thuế và Nghị định 123.

Các Cục Thuế cũng phải báo cáo kết quả hoàn thành về Tổng cục Thuế chậm nhất ngày 20.3, báo cáo các giải pháp phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại địa phương đã triển khai, báo cáo việc thanh kiểm tra, xử phạt (nếu có)...

Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Tổng cục Thuế lập tức họp với các cục thuế địa phương để ráo riết kiểm tra việc thực hiện.

"Cục Thuế địa phương cần tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao. Các cục thuế đạt kết quả chưa cao cần tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp để triển khai tổ chức thực hiện đạt được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính", ông Tuấn đề nghị.

Đáng chú ý, ông Tuấn yêu cầu cục thuế địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, báo cáo thời gian, cụ thể kế hoạch về tổng cục.

"Những nội dung xử lý thuộc phạm vi ngành thuế về hóa đơn sẽ do ngành thuế xử lý, những vấn đề về ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh thuộc phạm vi của ngành khác, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo", Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn