MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên miền được một fanpage có tên Vietcombank cung cấp trên Facebook dẫn đến một website chuyên cho vay tín chấp. Ảnh: C.H

Rủi ro bủa vây người có nhu cầu về tài chính

Cẩm Hà LDO | 06/03/2020 08:45

Công khai dùng hình ảnh và thương hiệu của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV để quảng cáo cho các dịch vụ cho vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng, các Fanpage lấy hình ảnh ngân hàng, xuất hiện nhan nhản trên Facebook khiến người dân có nhu cầu dịch vụ tài chính bối rối, có thể gặp rủi ro khi cung cấp các thông tin tài chính cá nhân tại các Fanpage không chính thống của ngân hàng.

Tràn ngập Fanpage ngân hàng

Tình trạng các trang Fanpage lấy tên và hình ảnh các ngân hàng thương mại đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội Facebook và xảy ra với rất nhiều ngân hàng, không phân biệt ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ. Sử dụng công cụ tìm kiếm của Facebook, người viết dễ dàng tìm thấy hàng chục trang Fanpage của các ngân hàng lớn như Vietinbank, Vietcombank hay BIDV.

Ví dụ với từ khóa “Vietinbank”, Facebook cho ra hơn 86 trang khác nhau sử dụng hình ảnh và thương hiệu của ngân hàng Vietinbank. Trong số này, rất nhiều trang gắn tên Vietinbank liền với các nội dung và dịch vụ tài chính như như “Vietinbank vay vốn tiêu dùng”, “Cho vay Vietinbank”, “Vietinbank - Vay tín chấp”, “Hỗ trợ vay vốn Vietinbank”, hoặc Vay tiêu dùng cá nhân, Hỗ trợ vay tiêu dùng, Cho vay du học, thậm chí có trang quảng cáo “Tài khoản số đẹp Vietinbank…

Tương tự, các từ khóa tìm kiếm Vietcombank hay BIDV cũng cho ra hàng chục kết quả với các trang Fanpage gắn tên thương hiệu ngân hàng với các dịch vụ tài chính như “BIDV - Vay vốn tiêu dùng không tín chấp”, “BIDV - Tín dụng ngân hàng”, “Vay vốn ngân hàng BIDV”, “BIDV - Hỗ trợ vay tiêu dùng”, hoặc “Vay tiêu dùng BIDV”.

Với từ khóa “Vietcombank”, công cụ tìm kiếm của Facebook cho kết quả tới 99 trang Fanpage sử dụng tên và logo màu xanh đặc trưng của ngân hàng này. Ngoài việc gắn tên ngân hàng với các dịch tài chính như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, hỗ trợ tín chấp hay hỗ trợ giải ngân, một số trang chỉ lấy tên Vietcombank kèm logo và hình ảnh ngân hàng được ngân hàng này sử dụng trên website chính tại địa chỉ www.vietcombank.com.vn.

Điều đáng nói là trong phần thông tin giới thiệu, nhiều Fangage cung cấp các website có tên miền thường gắn liền với thương hiệu Vietcombank như vietcombankvn-vaytinchap.com hay tindungtieudungvietcombank.vn rất dễ gây hiểu nhầm rằng đây có thể là website của ngân hàng hoặc do các đơn vị của ngân hàng triển khai.

Chỉ nên xem Fanpage có dấu tích xanh

Trong vai người đang có nhu cầu vay vốn tiêu dùng với mục đích sửa nhà, người viết bài đặt vấn đề vay vốn qua quản trị của Fanpage có tên “Vietcombank” trên Facebook. Qua điện thoại có số đuôi… 103, người này khẳng định đang là nhân viên của Vietcombank và sẵn sàng hỗ trợ cho vay tín chấp, giải ngân nhanh. “Chỉ cần cung cấp chứng minh thư, bảo hiểm y tế kèm theo hóa đơn thanh toán điện, nước, ngay trong ngày mai có thể ký ngay được hợp đồng vay vốn” - người này cho biết. Tuy nhiên sau một hồi trao đổi về lãi suất, thời gian vay cũng như số tiền muốn vay, người này lại hướng người viết sang vay vốn tại ngân hàng khác như TPBank hay VIB (?). “Bên em có thể hỗ trợ anh vay được 60 - 70 triệu đồng ở TPBank vì ở đây lãi suất ưu đãi hơn đồng thời hỗ trợ vay ngân hàng khác nữa để anh vay được số mình muốn” - người tự giới thiệu là nhân viên của Vietcombank khẳng định.

Đặt vấn đề vay vốn tại một Fanpage khác lấy tên “Vietinbank”, người viết được cung cấp một bản khai thông tin trực tuyến trong đó yêu cầu khai báo rõ các thông tin cá nhân, số chứng minh thư, lịch sử tài chính, lịch sử vay mượn vốn tại các ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động xung quanh dấu hiệu giả mạo khi có tới 86 trang fanpage khác nhau cùng lấy tên ngân hàng Vietinbank xuất hiện trên Facebook, đại diện ngân hàng Vietinbank khẳng định: “Đến nay ngân hàng chỉ có duy nhất một fanpage chính thức lấy tên Vietinbank và có dấu tích xanh xác nhận chính thức của Facebook. Có thể khẳng định các Fanpage khác lấy tên ngân hàng Vietinbank là không chính thống và để tránh rủi ro đánh cắp thông tin cá nhân, khách hàng khi có nhu cầu về dịch vụ tài chính chỉ lấy thông tin từ Fanpage chính thức cũng như không cung cấp các thông tin tài chính, thông tin cá nhân cho các Fanpage không chính thống”.

Tình trạng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến ngân hàng nhưng không do người hoặc đơn vị thuộc quyền quản lý của ngân hàng đưa lên cũng xảy ra với nhiều ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn. Như tại SCB, đại diện ngân hàng nay cho biết, thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện các thông tin sai lệch và không chính xác về ngân hàng SCB liên quan đến việc rao bán tài sản hay bất động sản. “Ngân hàng chỉ có 1 Fangape chính thức có dấu tích xanh chứng nhận của Facebook và một Fanpage SCB Tuyển dụng. Ngoài hai Fanpage chính thức trên, mọi Fanpage khác đều không liên quan đến hoạt động của SCB” - đại diện SCB khẳng định.

Theo quy định của Facebook, dấu tích xanh (Verify Blue Tick) là dấu hiệu thông báo fanpage chính chủ, chỉ dành cho những người nổi tiếng như ca sĩ, nhà báo, chính trị gia, truyền thông lớn hoặc những doanh nghiệp được nhiều người biết tới. Dấu tích xanh thể hiện độ nổi tiếng của cá nhân hoặc thương hiệu, có dấu tích xanh như một cách đảm bảo các tài khoản này được bảo hộ tên tuổi, thương hiệu một cách pháp lý. Do mỗi giây trên facebook có đến hàng nghìn tài khoản được lập ra nên người dùng sẽ khó tìm ra được đâu là tài khoản chính chủ, đâu là tài khoản giả mạo. Theo đó để không bị lạm dụng bởi các fanpage cùng tên, người dùng chỉ nên tiếp cận các Fanpage có dấu tích xanh xác nhận chính thức của Facebook. C.Hà

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn