MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà đầu tư được khuyến cáo không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Ảnh: MOF

Rủi ro bủa vây nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Cẩm Hà LDO | 26/09/2020 10:22
Chỉ riêng trong tháng 8.2020, lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng đột biến tới 93% so với tháng trước và thậm chí tăng tới 230% so với thời điểm đầu năm gây nhiều lo ngại với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp mới xuất hiện lần đầu.

Doanh nghiệp 20 tỉ đồng, phát hành hơn 700 tỉ đồng trái phiếu

Các dữ liệu vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố cho thấy, 8 tháng năm nay có 174 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, qua đó huy động hơn 237.700 tỉ đồng và tương đương mức tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý là chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua có tới 37 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị tới 38.390 tỉ đồng, tăng đột biến 93% so với tháng trước, tăng 230% so với hồi đầu năm và tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tỉ trọng phát hành trái phiếu tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu thị trường khi chiếm tới 30,39% cơ cấu, nhóm các tổ chức tín dụng đứng sau với tỉ trọng 26,14% và các doanh nghiệp ở nhóm ngành dịch vụ đứng ở vị trí thứ ba với 17,78%.

Gây chú ý nhất là sự xuất hiện của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xích Lô Đỏ, doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cắt tóc, gội đầu, có số vốn điều lệ chỉ 20 tỉ đồng nhưng vẫn huy động được tới 738 tỉ đồng trong đợt phát hành trái phiếu vào ngày 25.8 vừa qua. Một doanh nghiệp khá lạ lẫm khác là Hướng Dương Holding cũng gây bất ngờ khi huy động thành công 750 tỉ đồng qua đợt phát hành trái phiếu vào ngày 10.8.2020.

Thận trọng với khả năng trả nợ

Theo đánh giá của của Công ty chứng khoán SSI, Nghị định 81/2020 có hiệu lực từ ngày 1.9.2020 sẽ tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, khi đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian.

Theo quy định mới, dư nợ phát hành trái phiếu riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) sẽ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất. Các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; bắt buộc phải có hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn (công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và định chế tài chính khác); bổ sung yêu cầu báo cáo tài chính kiểm toán trong hồ sơ phát hành phải có ý kiến chấp nhận toàn phần, nếu ngoại trừ phải có giải thích hợp lý và xác nhận của kiểm toán.

Việc các doanh nghiệp gia tăng phát hành trái phiếu trong tháng 8.2020 theo đó được nhìn nhận là nhằm tránh các quy định mới theo hướng siết chặt hơn hoạt động phát hành có hiệu lực từ ngày 1.9 và theo đúng dự đoán của SSI, điều này khiến thị trường TPDN tăng nóng trong quý III/2020 và có thể mau chóng hạ nhiệt trong quý IV/2020.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua đang đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này. Trong đó các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.

Về phía các nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Chính vì vậy theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trước hiện tượng một số DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, đơn vị này đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn