MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới để bảo đảm tính khả thi khi triển khai xây dựng nông thôn mới tại các vùng, miền. Ảnh: Vũ Long

Rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong xây dựng nông thôn mới

Vũ Long LDO | 29/11/2023 20:47

Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nhưng cần được quan tâm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Quan tâm đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Có ý kiến cho rằng để đảm bảo quyền lợi và sự đồng bộ, thống nhất tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên có lộ trình xây dựng nông thôn mới cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thay vì sửa đổi tiêu chí.

Bộ Tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2026 được ban hành và thực hiện từ năm 2022. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, nhiều địa phương phản ánh một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với thực tiễn của các vùng miền.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các vùng, miền, dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí NTM các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó có việc xây dựng, ban hành tiêu chí NTM phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đây cũng là một bước trong lộ trình xây dựng NTM cho cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Cần rút ngắn khoảng cách các giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với đồng bằng trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Thành Chương.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện nay, vùng trung du miền núi phía Bắc có 966/2.019 xã (47,8%) đạt chuẩn NTM (tăng 11.5% so với cuối năm 2020), trong đó có 147 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 135 xã so với cuối năm 2020) và 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 10 xã so với cuối năm 2020).

Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 91,4% trong khi đó vùng miền núi phía Bắc chỉ mới đạt 47,8%, Tây Nguyên 59,7%; vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%.

Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế. Đến nay chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn Ngân sách nhà nước

Sáng 29.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030”.

Thường vụ Quốc hội đã có thông báo về việc thống nhất cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị đối với số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, về công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phân bổ, giao 32.050 tỉ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (gồm: 30.000 tỉ đồng vốn đầu tư nguồn vốn trong nước và 2.050 tỉ đồng vốn nước ngoài cho các địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan).

Thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24.6.2023 của Chính phủ, hiện nay, Bộ NNPTNT đã có văn bản dự kiến mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình năm 2024 và 2 năm 2024 và 2025 cho các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để các địa phương chủ động hơn trong công tác phân bổ vốn ngân sách trung ương, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, cũng như huy động các nguồn vốn khác để thực hiện.

Trong quá trình giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương phản ánh khi thực hiện một số kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Do đó, Dự thảo Nghị quyết có quy định giao Kiểm toán nhà nước tham gia với Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý một số kiến nghị liên quan đến thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, các cơ quan, tổ chức trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn