MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên tuyến đường 12km này chỉ hoàn thiện được đoạn hơn 6km, đoạn từ KĐT Xa La đến đoạn qua KĐT Thanh Hà. Phần còn lại của tuyến đường vẫn thi công cầm chừng. Ảnh: PV

Sai phạm nghìn tỉ tại các dự án BT ở Hà Nội: Chậm tiến độ gần 10 năm

CAO NGUYÊN - THÔNG CHÍ LDO | 26/07/2017 06:30
Sau 9 năm triển khai dự án đường trục phía nam Hà Nội do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, tuyến đường trục này mới chỉ xây dựng được 12km/41km theo cam kết. Dù phần lớn tuyến đường vẫn còn dang dở nhưng khu đất được doanh nghiệp khai thác để làm vốn đối ứng đã sang tên, đổi chủ. Dự án đường trục phía nam Hà Nội có nguy cơ phá sản khi kết luận mới của Thanh tra Chính phủ yêu cầu TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đánh giá lại năng lực nhà đầu tư để quyết định triển khai dự án. 

Đường 9 năm chưa xong

Dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Cienco5 làm chủ đầu tư và được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có tổng chiều dài 41,5km; mặt cắt đường 40m, 4 làn xe, điểm đầu từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín). Để hoàn vốn cho nhà đầu tư Cienco5, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã giao các khu đất cho nhà đầu tư và DN dự án để đầu tư các Khu đô thị mới Thanh Hà và Khu đô thị Mỹ Hưng.

Đến thời điểm này, sau gần chục năm triển khai, thi công, đường trục phía nam Hà Tây cũ mới hình thành được hơn 12km. Theo ghi nhận của PV vào chiều 23.7 dọc chiều dài khoảng hơn 12km đường đã hoàn thiện trải nhựa nhưng hệ thống tổ chức giao thông, đèn chiếu sáng, sơn kẻ vạch vẫn còn sơ sài, cẩu thả, nhiều đoạn chưa có dải phân cách. Hai bên đường lổn nhổn vật liệu, cây cỏ um tùm, đất đổ chưa san gạt, phế thải xây dựng tràn ra đường.

Đi dọc theo tuyến đường này, được khoảng hơn 12km (đoạn giao với đường 71 cũ) thì đường này là ngõ cụt. Theo quan sát, độ dài từ đoạn giao cắt với đường 71 cũ hướng về ngoại thành chỉ khoảng 2km đã san mặt bằng nhưng chưa được thi công, đất đá chất đống, ổ gà, ổ voi thậm chí có những hố sâu gần 50cm. Thỉnh thoảng chỉ thấy một vài chiếc xe máy đi qua. Tiếp tục đi sâu vào bên trong thì xuất hiện những công trường, có nhiều công nhân đang thi công. Tuy nhiên, những người dân ở khu vực gần đây cho rằng, việc thi công ở đây là tạm bợ.

Một số người dân ở khu vực trên trục đường này cho biết, tuyến đường này thi công rất ỳ ạch, thi công theo kiểu chắp vá. Trước đây, đoạn km số 5 được trải một lớp nhựa ở bên ngoài. Nhưng khoảng một năm nay thì lại bồi thêm một lớp nhựa ở bên trong gần dải phân cách. Việc thi công chắp vá như vậy khiến mặt đường “ruộng bậc thang” gây tai nạn. Anh Nguyễn Văn Dũng (ở huyện Thanh Oai) bức xúc: “Tuyến đường làm đến cả chục năm rồi mà vẫn dang dở như thế này, không biết bao giờ thì xong”.

Đường trục phía nam Hà Nội mới chỉ thi công được 12km/41km rồi... để đó. Ảnh: C.NGUYÊN

Đường chưa xong, đất đã đổi chủ

Vào đầu tháng 4.2016, đại diện Cty CP Tập đoàn Mường Thanh cho biết, đang hoàn tất thương vụ mua lại 95% cổ phần của Cty CP phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land). Cty Cienco5 Land vốn dĩ là DN phát triển dự án, được Cienco 5 giao nhiệm vụ triển khai xây dựng phần đất đối ứng khu đô thị Thanh Hà. Sau thương vụ này, Mường Thanh sẽ kiểm soát dự án Khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, Hà Nội. Vị này cũng tiết lộ, tổng giá trị thương vụ này là 1.500 tỉ đồng, bao gồm khoản mua lại 95% CP tại Cienco5 Land và các khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho Cty này.

Đầu tháng 7, khảo sát của Lao Động, tại KĐT Thanh Hà, các tuyến đường nội khu đã được hình thành, chủ đầu tư đã có đào hồ có diện tích hàng nghìn mét vuông để tạo cảnh quan. Trong khi đó, tại các sàn giao dịch đều quảng bá việc phát triển dự án thuộc về Tập đoàn Mường Thanh. Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, đại diện Tập đoàn Mường Thanh phủ nhận việc đứng tên trực tiếp là chủ đầu tư của khu đô thị này.

Như vậy, phần đất đối ứng dự án đường trục phía nam Hà Nội là khu đô thị Thanh Hà đã được khai thác từ nhiều năm, thậm chí được doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Mường Thanh mua tới 95% cổ phần doanh nghiệp dự án Cienco5 Land, qua đó kiểm soát việc phát triển khu đô thị này. Tuy nhiên, đến nay dự án đường trục vẫn dang dở và không biết tới khi nào mới hoàn thành. Trước việc dự án chậm tiến độ gần 9 năm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tham mưu việc chọn nhà đầu tư, tiến hành xem xét, đánh giá năng lực nhà đầu tư để quyết định triển khai, thực hiện, hoàn thành dự án BT. Trong ngày 24.7, PV Báo Lao Động đã liên hệ với GĐ Sở KHĐT, GĐ Sở Xây dựng Hà Nội để tìm câu trả lời về việc xem xét năng lực chủ đầu tư nhưng bất thành.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ kết luận về một số vi phạm tại dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, TCty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) sẽ phải nộp ngay vào ngân sách số tiền 1.428 tỉ đồng là giá trị chênh lệch toàn bộ Hợp đồng BT đối trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án khác. Con số này bao gồm 920 tỉ đồng lãi vay và hơn 510 tỉ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất và công trình BT mà Cienco 5 làm chủ đầu tư trong dự án xây đường trục phía nam.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn