MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sai phạm về điện, xăng dầu khiến loạt lãnh đạo ở Bộ Công Thương bị hạ cấp

Anh Tuấn LDO | 25/02/2024 17:24

Nhiều lãnh đạo vụ, cục ở Bộ Công Thương vừa bị Bộ này điều chuyển từ cấp trưởng thành cấp phó sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do có vi phạm trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách, trong đó có vi phạm trong lĩnh vực điện và xăng dầu.

Sai phạm liên quan đến điện mặt trời, xăng dầu

Bộ Công Thương vừa tổ chức họp công bố và trao quyết định của bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ. Nhiều cục, vụ trưởng đã nhận quyết định sang đơn vị khác làm cấp phó.

Trong đó, ông Phương Hoàng Kim đang là Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ.

Ông Trần Duy Đông là Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu được điều động, bổ nhiệm sang vị trí Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.

Ông Hoàng Tiến Dũng là Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo được điều động, bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim.

Nhiều cục, vụ trưởng đã nhận quyết định sang đơn vị khác làm cấp phó vì trong thời gian qua có nhiều vi phạm trong hoạt động chuyên môn, từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, trong đó có liên quan đến sai phạm về xăng dầu và điện mặt trời.

Tại kỳ họp thứ 35 diễn ra trong các ngày 10, 11 và 19.1.2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã kỷ luật cảnh cáo nhiều lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị, trong đó có các ông: Trần Duy Đông, Phương Hoàng Kim, còn ông Hoàng Tiến Dũng bị khiển trách.

Lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng ở Vĩnh Long “có hàng nhưng không bán“. Ảnh: Bộ Công Thương

Sai phạm cụ thể thế nào?

Về sai phạm trong vấn đề xăng dầu, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4.1.2024: Từ 1.1.2017 đến 30.6.2022, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thời gian hoạt động kinh doanh xăng dầu không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 83; nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu... để xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 8 và khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83.

Theo kết luận thanh tra, cơ quan quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa đảm bảo chặt chẽ; Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Liên quan đến sai phạm về điện: Tháng 12.2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Kết luận thanh tra cũng nêu trong giai đoạn đến năm 2020, có 168 dự án điện mặt trời tổng công suất 14.707 MW/850 MW được phê duyệt (cao gấp 17,3 lần mục tiêu) không có căn cứ pháp lý. Đáng chú ý, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.642 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt, thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh (tổng công suất 7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời đã tăng từ 1,4% lên 23,8%.

Ngoài sai phạm về bổ sung ồ ạt nguồn điện, kết luận thanh tra còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong hướng dẫn và tham mưu ban hành giá mua điện ưu đãi FIT; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư các dự án điện gió, mặt trời…

Kết luận thanh tra nêu rõ, cơ quan thanh tra đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.

Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn