MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu tư, thương mại, du lịch, sản xuất công nghiệp... được kỳ vọng tạo "cú hích" cho tăng trưởng kinh tế 2022. Ảnh: Vũ Long

"San bằng" thách thức, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng lạc quan

Vũ Long LDO | 01/05/2022 07:58

Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraina, biến đổi khí hậu..., nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn lạc quan.

Bức tranh kinh tế nhiều gam sáng lạc quan

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý I, tình hình kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, thậm chí, nhiều lĩnh vực còn đạt kết quả tối ưu, tốt hơn cả những năm trước đại dịch, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 4.2022 tăng thấp nhất trong mức tăng của tháng 4 trong giai đoạn 2017-2022; vấn đề an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn nhiều diễn biến khó lường, nhưng sản xuất công nghiệp tháng 4.2022  tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 sản xuất công nghiệp tăng 7,5%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.

Thặng dư thương mại trong 4 tháng đầu năm đã ở mức 2,53 tỉ USD. Nguồn: TCTK

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.

Các hoạt động thương mại và dịch vụ đạt kết quả tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng năm 2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỉ USD.

Đặc biệt, từ 15.3.2022, sau khi mở cửa, du lịch phục hồi mạnh mẽ, khách quốc tế tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, 4 tháng tăng 184,7%...

Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6,5-7%

Theo VNDirect, trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Dự báo quý II.2022, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong 3 trụ cột của nền kinh tế, khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn trong quý II.2022 nhờ mở cửa trở lại hầu hết các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm du lịch, vận tải công cộng và vui chơi giải trí.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt mức từ 6,5-7% nhờ các nhóm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang khởi sắc trở lại. Đặc biệt, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch được coi là “thế chân vạc” cho sự tăng trưởng vững chắc trong thời gian tới.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế đã đề ra, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các bộ, cơ quan, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023; chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chủ động dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn…

Trong đó, cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thành lập các Tổ công tác về các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn