MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sản lượng và trị giá xuất khẩu xi măng sụt giảm kỉ lục

Thu Giang LDO | 02/05/2023 16:03
Bước sang năm 2023, xuất khẩu xi măng Việt Nam tiếp tục sụt giảm vì một số quốc gia đã thực hiện áp thuế, trong khi đó thị trường Trung Quốc vẫn giảm nhập khẩu do bất động sản chưa hồi phục.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng, clinker quý I/2023 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lạm phát từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines, khiến cả sản lượng lẫn trị giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam đều sụt giảm kỉ lục. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu trong quý I/2023 đã giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch 345 triệu USD, giảm 24,6% (tương ứng mức giảm trên 100 triệu USD).

Đáng chú ý, xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc tiếp tục ảm đạm do thị trường bất động sản chưa hồi phục. Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong quý I/2023 chỉ đạt gần 11,4 triệu USD, giảm tới 95% so với cùng kỳ.

Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu xi măng vẫn đầy chông gai. Ảnh: Hiệp hội xi măng Việt Nam

VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường bất động sản nước này chưa khởi sắc, dẫn tới xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam vẫn gặp khó khăn.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây cũng đã công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Trước khó khăn này, một loạt doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong ngành như Xi măng Long Sơn, Hạ Long, Thăng Long, Vissai Ninh Bình, Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng... đều trong diện bị áp thuế phá giá tạm thời. Đáng chú ý, có doanh nghiệp thương mại còn bị áp thuế cao lên đến hơn 23%.

Ngoài ra, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 1.1.2023 cũng đang khiến doanh nghiệp ngành xi măng trong nước điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.

Doanh nghiệp ngành xi măng trong nước điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế. Ảnh: VNCA

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch VNCA - cho biết, trong bối cảnh giá clinker xuất khẩu không tăng, doanh nghiệp còn phải gánh thêm chi phí thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh. 

Năm 2023, doanh nghiệp xi măng được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, cả trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện tại, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam là Philippines, Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc). Với clinker, các thị trường chính sẽ là Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.

Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 đạt khoảng 100 - 105 triệu tấn (dự kiến tăng 7 - 10% so với năm 2022). Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35 - 40 triệu tấn.

Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp ngành xi măng cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định.

Đặc biệt doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước cũng sẽ có chính sách phù hợp để điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu là đầu vào của ngành sản xuất xi măng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn