MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh. Ảnh: Minh Ánh

Sản phẩm làng nghề Bắc Ninh và bài toán "lên sàn"

Trần Tuấn LDO | 06/03/2023 17:06

Dù đã có sự cải thiện rõ rệt nhưng đến nay, hầu hết các cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh chưa có chiến lược truyền thông, quảng bá bài bản cho sản phẩm của mình trên các nền tảng thương mại điện tử.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp và OCOP nổi tiếng

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được trao chứng nhận. Trong đó, có nhiều sản phẩm nức tiếng xa gần như: nem Bùi, tỏi, mỳ gạo, rượu nếp cái hoa vàng...

Thời gian gần đây, theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, ngoài việc phân phối sản phẩm tại cửa hàng, điểm bán, một số hộ sản xuất làng nghề ở Bắc Ninh bắt đầu triển khai việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok.

Bà Đinh Thị Luyến, Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Việt Hà. Ảnh: Trần Tuấn

Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Thị Luyến - Giám đốc công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Việt Hà (làng nghề Đồng Kỵ, TP.Từ Sơn) cho biết, công ty tiến hành lập web bán hàng, giới thiệu sản phẩm để có thể tiếp cận đa dạng nguồn khách hàng.

"Nguồn khách hàng từ website tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời điểm COVID, khi khách hàng không thể đến trực tiếp tại xưởng xem sản phẩm", bà Luyến cho biết.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, đến nay, đến hầu hết các cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh chưa có chiến lược truyền thông, quảng bá bài bản trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiều hộ sản xuất còn loay hoay chưa biết đưa sản phẩm của mình "lên sàn" như thế nào.

 Ông Nguyễn Duy Toan, Giám đốc Hợp tác xã mỹ nghệ Toan Lộc. Ảnh: Trần Tuấn

"Nhiều thời điểm, đặc biệt là trong lúc dịch COVID, doanh nghiệp của tôi bị bí đầu ra do chưa tiếp cận được các hình thức phân phối sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Rất mong được các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố hỗ trợ trong việc quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm", ông Nguyễn Duy Toan, Giám đốc Hợp tác xã mỹ nghệ Toan Lộc (làng nghề Đồng Kỵ, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh) nói.

Phát triển thương mại điện tử ở địa phương còn gặp khó khăn

Thực tế, từ năm 2019Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh) đã tiếp nhận việc quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử Bắc Ninh với tên miền ecombacninh.vn.

Đến nay, sàn thương mại điện tử Bắc Ninh đã đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hàng ngàn sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh. Ảnh: Chụp màn hình

Tham gia sàn thương mại điện tử Bắc Ninh, các doanh nghiệp được hỗ trợ đăng ký thành viên miễn phí trên Sàn, cập nhật thông tin về sản phẩm; hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật xử lý hình ảnh, đăng tải thông tin sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tủ mới…

Tuy vậy, theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh vấn đề phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp không ít khó khăn, bởi nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử các doanh nghiệp hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách thương mại điện tử  còn thiếu.

Nhiều  doanh nghiệp đã có website riêng nhưng mới dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cơ bản, chưa tích hợp được các dịch vụ tiện ích khác như tạo hợp đồng, thanh toán trực tuyến. 

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Bắc Ninh cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển sàn thương mại điện tử Bắc Ninh để nhiều người dân và doanh nghiệp biết đến Sàn, tăng lượng giao dịch qua thương mại điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn