MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Kh.V

Sẵn sàng phương án tăng trưởng sản xuất, chiến thắng dịch bệnh COVID-19

Khánh Vũ LDO | 15/03/2020 16:28

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh các giải pháp thích hợp để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để nền kinh tế trì trệ, đảm bảo không chỉ đủ nguồn cung trong nước và còn để xuất khẩu.

Đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dự báo dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đẩy mạnh các giải pháp thích hợp để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để nền kinh tế trì trệ, đối mặt nguy cơ thiếu hụt hàng hóa, thực phẩm.

Các phân tích dự báo cho thấy, bước sang năm 2020, dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt vấn đề khác như tác động do biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam…

Để đảm bảo không bị đình trệ, cần thúc đẩy đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm 2020, vượt lên những khó khăn, thách thức trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, cần sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân...

Nông sản, thực phẩm dồi dào góp phần ổn định tinh thần cho người dân tham gia chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Kh.V

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19 (giá cá tra giảm, xâm nhập mặn-PV), nhưng ngành thủy sản hiện nay đang có nhiều cơ hội: Thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm, các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA;

"Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Theo đó, năm 2020, ngành thủy sản phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng 5,3%.

Theo Cục Trồng trọt, với những dự báo về thời tiết, dịch bệnh, dự kiến diện tích lúa cả năm ước đạt 7,3 triệu ha, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ so với năm 2019 và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn.

Hiện nay, diện tích rau màu khoảng 980 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu.

Khai thác thêm nhiều thị trường mới

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay Bộ đang tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch COVID-19 và công bố mở cửa lại bình thường.

Bộ NNPTNT đã chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản để triển khai  khi nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch COVID-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch. Bởi thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn