MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn nguyên liệu nên dự báo người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: Thùy Trang

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm, doanh nghiệp vẫn khó khăn

THÙY TRANG LDO | 11/06/2023 18:15

Kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến hoạt động xuất khẩu giảm khá sâu, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 của TP Đà Nẵng.

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 5.2023 của Đà Nẵng ước tăng 1% so với tháng trước nhưng giảm 1,6% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong khâu tìm kiếm đơn hàng, nguồn nguyên liệu sản xuất.... So với tháng trước, nhóm ngành này tăng 1,2% nhưng so với cùng kỳ năm 2022 sụt giảm gần 3,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành giảm 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,2%); ngành sản xuất, phân phối điện giảm 2,7%.

 Doanh nghiệp khó khăn, người lao động cũng thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Thùy Trang

Một số ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, góp phần kìm hãm mức giảm chung như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 27,2%; sản xuất trang phục tăng 0,5%...

Nhưng, ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm khá sâu: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 19,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 35,4%...

Cầu tiêu dùng bị cắt giảm; quy định sản phẩm xuất khẩu ngày càng khắt khe; nguyên liệu đầu vào khan hiếm... là những nguyên nhân chính dẫn đến khối lượng sản phẩm sản xuất của nhiều mặt hàng trong 5 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể ở một số sản phẩm chủ lực như sau: thịt cá đông lạnh (-45,5%); bộ quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc (-24,3%); sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác (-20,1%); cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (-17,2%).

Dù vậy, nhờ mở rộng và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, một số doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu đơn hàng ký kết, góp phần thu hẹp tăng trưởng âm của chỉ số IIP trên địa bàn, cụ thể: vải dệt thoi từ sợi bông có tỉ trọng bông từ 85% trở lên tăng 15,8%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ (+27,2%); bộ phận và các phụ tùng của máy tính (+33,6%)…

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng còn khá chậm và không đồng đều ở các quốc gia, kinh tế trong nước có nhiều chuyển biến tích cực nhưng phải chịu ảnh hưởng chung từ tình hình thế giới, sự phục hồi khá chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp đã và đang tác động đến tình hình tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan...

Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nhận định, tình hình hoạt động 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo rất khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản, doanh nghiệp ngành gỗ…

Việc làm với người lao động và tình hình quan hệ lao động theo dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và sẽ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã đề nghị các công đoàn cơ sở quan tâm hơn nữa, nắm rõ hơn nữa về cái tình hình quan hệ lao động để có những hướng can thiệp, xử lý kịp thời nếu có phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn