MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: LT

Sản xuất lúa năm 2018 ở Nam bộ: Thắng cả năng suất lẫn hiệu quả

Lục Tùng LDO | 17/10/2018 19:34

Ngày 17.10, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2018; Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2018-2019, tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

 
Đại diện Cục Trồng trọt, cho biết, năm 2018, toàn vùng gieo sạ được 4.389.768 ha lúa. Tuy có giảm về diện tích (giảm 63.538 ha), nhưng năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất đều tăng. Ước năng suất đạt 59,51 tạ/ha, tăng 3,38 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 26.122.000 tấn, tăng 1.125.000 tấn so với năm 2017. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 4.114.740 ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 24.673.000 tấn, tăng 1.079.000 tấn so với năm trước. Đặc biệt, nhóm lúa thơm đặc sản và lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giống lúa. Việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận đạt khoảng 78% diện tích. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ theo khuyến cáo dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lục Tùng

Lý giải về việc giảm diện tích cây lúa, đại diện nhiều địa phương cho biết do đã mạnh dạn giảm diện tích trồng lúa sang những cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long cho biết, hiện nhiều diện tích trồng lúa đã được chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái…Tương tự, tỉnh Long An cũng đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa. Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An, cho biết, tỉnh đã chuyển dịch khoảng 7.000ha đất lúa sang cây trồng cây ăn trái như chanh, ...Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Sản xuất các nông sản chủ lực ở khu vực Nam bộ như: lúa gạo, thủy sản, trái cây… năm 2018 đều thắng lợi. “ĐBSCL năm nay lũ đẹp, thiệt hại đến sản xuất rất thấp. Sản xuất phát triển mà thị trường đầu ra năm nay cũng rất thuận lợi. Trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt xấp xỉ 30 tỷ USD, khả năng cả năm sẽ vượt con số 40 tỷ USD mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp”- ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Doanh, đáng lo là vụ lúa Đông xuân 2018-2019. Bởi theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nhiều khả năng mùa mưa ở khu vực Nam bộ sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nên khả năng xảy ra hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển, thiếu nước sản xuất cục bộ là rất cao. Đặc biệt là thời tiết cực đoan, cùng với sản xuất theo dạng “gối vụ” sẽ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Trong đó đáng lo nhất là bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá và muỗi hành. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ lịch xuống giống theo khuyến cáo nông dân cần hạn chế gieo sạ mật độ dày, bón phân cân đối, nhất là không bón thừa đạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn