MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sập bẫy trái phiếu ở SCB nhưng không thể huỷ hợp đồng vào phút chót

ÁNH TÚ - NGỌC ÁNH LDO | 08/05/2023 18:57

Đặt bút ký làm hợp đồng vào ngày 5.10.2022, đến Ngân hàng SCB yêu cầu huỷ hợp đồng ngày 7.10.2022 nhưng có rất nhiều trường hợp vẫn không thể huỷ được hợp đồng dù có điều khoản được phép huỷ trong vòng 3 ngày.

Liên quan đến việc hàng trăm khách hàng sập bẫy vụ trái phiếu tại Ngân hàng SCB, có nhiều trường hợp đặt bút ký vào bản hợp đồng chưa tới 2 ngày đã vội vàng yêu cầu huỷ vì những lùm xùm liên quan đến Ngân hàng SCB nổ ra ngay sau đó. Tuy nhiên, hầu hết những khách hàng này đều không thể huỷ hợp đồng vì nhiều lý do.

Huỷ hợp đồng ở "phút 90" vẫn không được

Cũng như hàng trăm khách hàng khác đến Ngân hàng SCB để thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, ông T.Q.M. (ngụ Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cũng bị sập bẫy sản phẩm "trái phiếu linh hoạt 31 ngày" với cùng một kịch bản tư vấn. 

Hàng trăm người dân nộp đơn tố cáo sập bẫy trái phiếu tại SCB đến CA TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua. Ảnh: Anh Tú

Ông M. kể, vào ngày 4.10.2022, ông có đến Ngân hàng SCB chi nhánh Nguyễn Sơn để đáo hạn sổ tiết kiệm. Tại đây ông được nhân viên ngân hàng tư vấn về một sản phẩm mới của SCB với rất nhiều tiện lợi, có thể linh hoạt rút bất cứ lúc nào sau 31 ngày và vẫn nhận được lãi: "Thấy có thể linh hoạt rút nên tôi cũng đồng ý tham gia vì vợ chồng cũng có tuổi rồi, cần tiền chữa bệnh nên được rút linh hoạt thì hay quá".

"Tuy nhiên lúc nhân viên đưa cho tôi tờ giấy Uỷ nhiệm chi để ký vào, tôi mới thắc mắc tại sao tiền lại chuyển vào Công ty chứng khoán Tân Việt. Lúc này, nhân viên mới nói là "Chú cứ yên tâm, Công ty này uy tín, được SCB bảo lãnh nên không có vấn đề gì cả". 

Ông M đặt bút ký vào giấy Uỷ nhiệm chi theo lời tư vấn của nhân viên ngân hàng vào ngày 4.10. Đến ngày 6.10.2022, sau khi con gái biết chuyện, nhận thấy đây không phải sản phẩm gửi tiết kiệm mà là sản phẩm trái phiếu nên đã bảo ông M đi huỷ gấp hợp đồng. "Tôi không hề biết đến trái phiếu là cái gì, chỉ biết nhân viên tư vấn bảo tôi sản phẩm này giống như gửi tiết kiệm nên tôi chỉ biết có vậy".

Giấy Uỷ nhiệm chi mà hầu hết khách hàng đều được nhân viên ngân hàng SCB yêu cầu ký vào để thực hiện “lệnh chuyển tiền” từ tiền gửi tiết kiệm sang trái phiếu doanh nghiệp mà khách hàng không hề hay biết. Ảnh: Anh Tú

Trao đổi với Lao Động, chị T.T.T.P (con gái ông M) cho hay: "Bố mẹ em không có nhiều kiến thức về tài chính, bao lâu nay tiền tích góp được cũng đều mang đi gửi tiết kiệm chứ không hề biết gì về đầu tư hay chứng khoán. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ em đi bán từng tô súp để có tiền cho các con ăn học. Bây giờ thấy tiền xương máu bị mang đi đầu tư vào trái phiếu mà lại còn không được tư vấn kĩ càng nên em thấy rất lo và bảo bố đi huỷ hợp đồng ngay lập tức".

Đi cùng với ông M đến Ngân hàng SCB để yêu cầu huỷ hợp đồng trong chiều ngày 6.10, chị P cho biết đích thân Giám đốc chi nhánh đã xuống để trao đổi về vấn đề này. "Giám đốc chi nhánh lấy danh dự và uy tín làm việc tại Ngân hàng SCB 4 năm nay để trấn an và cam kết với chúng tôi rằng sẽ không xảy ra bất kì vấn đề nào cả", chị P nói.

Đồng thời, Giám đốc chi nhánh cũng thông tin đến ông M và gia đình rằng nếu đơn phương huỷ hợp đồng lúc này thì sẽ bị mất 2% phí (tương đương 20 triệu đồng).

"Đối với nhiều người, 20 triệu có thể không là gì nhưng với gia đình tôi, đó là tiền xương máu. 3 ngày mất 20 triệu đồng thật sự rất cay đắng. Vì lòng tin với ngân hàng và được chính Giám đốc chi nhánh bảo đảm nên gia đình tôi mới ra về và không yêu cầu huỷ nữa", chị P kể.

Khoảng 10 ngày sau đó, khi nhận bản hợp đồng trên tay, gia đình ông M mới phát hiện ra rằng, nếu đơn phương huỷ trong vòng 3 ngày thì sẽ phải chịu phí phạt 0.2% (tương đương 2 triệu đồng) chứ không phải 2% như lời Giám đốc nói.

Sau khi làm đơn yêu cầu huỷ hợp đồng gửi Ngân hàng SCB, ông M nhận lại được lời phản hồi mà theo lời ông M, chẳng khác nào "phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm".

Thư phản hồi của Ngân hàng SCB về yêu cầu huỷ hợp đồng của ông M. Ảnh: NVCC

Tiếp nhận yêu cầu huỷ hợp đồng, gieo "hi vọng ảo" cho khách hàng

Cũng là một người tham gia sản phẩm "Trái phiếu linh hoạt 31 ngày" của SCB ở "phút chót", chiều ngày 5.10.2022, sau khi kí vào giấy Uỷ nhiệm chi, đồng ý tham gia sản phẩm nói trên, chị T.T.T (ngụ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vẫn đinh ninh sản phẩm này tương tự như chứng chỉ tiền gửi như lời nhân viên tư vấn.

Đến ngày 7.10, sau khi tin tức liên quan đến những ồn ào của SCB nổ ra, chị T đến Ngân hàng SCB chi nhánh Lạc Long Quân để yêu cầu được rút hết toàn bộ tiền đã đóng.

Được biết, chị T là một trong số ít các trường hợp được nhân viên tư vấn nói về điều khoản được phép huỷ hợp đồng trong vòng 3 ngày kể từ ngày ký.

Theo lời chị T, chiều ngày 7.10, sau khi đến Ngân hàng làm việc, chị T được Giám đốc chi nhánh hứa rằng sẽ tiếp nhận yêu cầu của chị và làm đơn gửi cho Công ty chứng khoán Tân Việt để huỷ hợp đồng.

Tuy nhiên, ròng rã gần 1 tuần liền vẫn chưa nhận được phản hồi về việc huỷ hợp đồng, nhận lại tiền, chị T đã trực tiếp liên hệ với Công ty chứng khoán Tân Việt, lúc này chị được phía Tân Việt phải hồi rằng không nhận được lệnh huỷ hợp đồng nào được gửi từ Ngân hàng SCB.

Khách hàng làm đơn yêu cầu huỷ hợp đồng gửi ngân hàng SCB... Ảnh: NVCC
...nhưng phía Công ty CP Chứng khoán Tân Việt phản hồi là không nhận được yêu cầu huỷ nào được gửi bởi Ngân hàng SCB. Ảnh: NVCC

Không chỉ những trường hợp nêu trên phải chịu cảnh bất lực vì không thể huỷ hợp đồng dù còn trong thời hạn 3 ngày mà còn rất nhiều những khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, với nhiều lý do khác nhau, từ "sập hệ thống không thể rút tiền, "tiền đã chuyển qua doanh nghiệp trái phiếu kể từ ngày ký" đến "yêu cầu, khiếu nại huỷ hợp đồng không hợp lệ",... được đưa ra bởi nhân viên Ngân hàng SCB.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn