MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lệ thuộc vào nhiệt điện than và nợ vay ngoại tệ chiếm tỉ trọng lớn là rủi ro của EVN Genco2. Ảnh minh họa: Website EVN Genco2.

Sắp đấu giá 580 triệu cổ phiếu, EVN Genco2 có gì hấp dẫn?

Tùng Thư LDO | 30/01/2021 14:10
Dựa trên thị giá các công ty con đã niêm yết và giá trị sổ sách công ty mẹ của Tổng Công ty Phát điện 2-Công ty TNHH MTV (EVN Genco2), công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) ước tính giá trị sơ bộ của Genco2 đạt 18.700 đồng/cổ phiếu.

Ngày 8.2 tới, Genco2 sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Số lượng chào bán công khai đạt 580 triệu cổ phiếu, tương đương 48,9% vốn điều lệ.

Nhiệt điện than đóng vai trò trụ cột

Theo đánh giá của MASVN, dựa trên thị giá các công ty con đã niêm yết và giá trị sổ sách công ty mẹ, ước tính giá trị sơ bộ của Genco2 đạt 18.700 đồng/cổ phiếu. Theo đó, giá khởi điểm mà Genco2 đưa ra đang thể hiện mức chênh lệch tăng 31%.

Theo MASVN, với giá khởi điểm dự kiến, Genco2 sẽ giao dịch tại mức P/B là 1,4x, cao hơn 16% so với bình quân các doanh nghiệp điện có quy mô vốn hóa tương đồng là 1,2x.

Thành lập từ tháng 1/2013, đến nay Genco2 vận hành 4.461 MW công suất phát điện. Hoạt động sản xuất điện được thực hiện thông qua 6 công ty con và 4 đơn vị thành viên, trong đó, nhiệt điện than chiếm 50% tổng công suất Genco2 (HND: 27%, PPC: 23%), thủy điện đóng góp 30% tổng công suất, nhiệt điện dầu 19% và điện mặt trời 1%.

Tổng tài sản hợp nhất của Genco2 tính đến cuối quý II/2020 đạt 50.773 tỉ đồng, tập trung 67% giá trị ở tài sản cố định. Nguồn vốn tài trợ chủ yếu từ các khoản nợ dài hạn (tương đương 47% tổng nguồn vốn) và vốn chủ sở hữu (41% tổng nguồn vốn).

Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân đạt 3,3% trong giai đoạn 2015-2019.

Về sản lượng điện sản xuất, đóng góp lớn nhất đến từ mảng nhiệt điện than, tương đương 78% tổng sản lượng 2019 (45% từ HND, 33% từ PPC), tiếp theo là nhóm thủy điện chiếm 16% tổng sản lượng.

Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất ghi nhận mức biến động cao hơn so với tăng trưởng sản lượng. Trong đó, chi phí tài chính tác động mạnh đến kết quả kinh doanh hàng năm, bao gồm chi phí lãi vay bình quân 1.100 tỉ đồng/năm trong 2018-2019 và các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỉ giá.

Genco2 công bố LNTT sơ bộ hợp nhất 2020 đạt 3.931 tỉ đồng. LNTT công ty mẹ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 11% trong 2021-2025 .

Kế hoạch tăng trưởng này đến từ khả năng đưa vào hoạt động các dự án điện gió Hướng Phùng 1 (30 MW), Công Hải 1 (giai đoạn 2 – 25 MW) và dự án chuyển đổi nhiêu liệu từ HFO sang khí Lô B Ô Môn của nhà máy Ô Môn 1 trong 2022.

Bên cạnh đó, Genco2 đang trình bổ sung các dự án với tổng công suất 1.960 MW vào Quy hoạch điện VIII. LNTT công ty mẹ tương đương khoảng 35% kết quả hợp nhất trong 2018-2020.

MASVN đánh giá danh mục đầu tư 5 công ty con niêm yết của Genco2 hiệu quả, đóng góp 78% doanh thu hợp nhất 2019.

MASVN dự kiến gánh nặng khấu hao của Genco2 sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra, ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm là một trong những lợi thế của Genco2 khi hoạt động trong ngành điện vốn chịu sự điều tiết và quản lý chặt chẽ.

Những rủi ro của Genco2

Hiện, nhiệt điện than đang chiếm tới 50% tổng công suất của Genco2. MASVN cho rằng công suất gia tăng từ mảng năng lượng tái tạo có thể tạo rủi ro giảm nhu cầu huy động từ loại hình nhiệt điện than.

Trong khi đó, các dự án đang triển khai của Genco2 có triển vọng chưa rõ ràng từ các dự án đang triển khai.

Hai dự án điện gió của Genco2 dự kiến vận hành vào năm 2022, khi cơ chế giá cố định hiện tại đã hết hiệu lực.

MASVN nhận định khả năng áp dụng mức giá mới thấp hơn hoặc chuyển sang cơ chế đấu giá điện có thể tác động tiêu cực đến tỉ suất lợi nhuận của dự án. Ngoài ra, dự án chuyển đổi nhiên liệu của nhà máy Ô Môn 1 gặp khó khăn từ khâu thượng nguồn khi dự án mỏ khí Lô B Ô Môn đang chậm tiến độ.

Ngoài ra, Genco2 sẽ chịu áp lực từ rủi ro tỉ giá. Theo Genco2, dư nợ vay ngoại tệ chiếm 98% tổng các khoản vay dài hạn của doanh nghiệp theo số liệu hợp nhất tính đến 31.12.2019 (58% USD, 40% JPY). Vì vậy, các biến động tỉ giá có thể tác động đáng kể đến kết quả lợi nhuận hàng năm của Genco2.

Bên cạnh đó, Genco2 có thể gặp rủi ro thay đổi giá bán theo Hợp đồng mua bán điện (PPA) khi PPA hiện tại của nhà máy Phả Lại 2 kết thúc vào 2021 và giá cố định của nhà máy Hải Phòng 2 điều chỉnh giảm sau khi hết thời gian “chạy profile”.

Cuối cùng là việc nhà máy Ô Môn 1 của Genco2 bị điều chỉnh quy mô. Cụ thể, ngày 26.11.2020, Bộ Tài Chính đã có Công văn số 14486/BTC-QLCS thống nhất điều chỉnh diện tích đất nhà máy Ô Môn 1 từ 477.488 m2 còn 312.000 m2

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn