MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đoàn (61 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cố gắng bán hàng trong đêm Giao thừa. Ảnh: Huyên Nguyễn

"Sắp giao thừa, tôi chỉ mong bán được đồng nào hay đồng ấy"

Huyên Nguyễn LDO | 31/01/2022 23:39

“Thanh long 15.000 đồng 2 kí, xoài 15.000 đồng 2 kí, dứa 30.000 đồng 2 trái”…“Xổ rẻ thược dược 40.000 đồng/chậu, cúc 30.000 đồng/chậu”… Sắp Giao thừa! Những tiếng loa bán hàng rao khắp con phố để mời chào những vị khách cuối cùng của năm Tân Sửu.

Ế hàng là “mất Tết”

Đêm nay (29 tháng Chạp) – đêm cuối cùng của 1 năm đầy sóng gió, thử thách, một năm lịch sử của TPHCM. Thành phố đã trải qua 4 tuần liên tiếp là vùng xanh, người dân rộn ràng đón xuân mới. Thế nhưng, trong lúc đường phố nhộn nhịp người qua lại thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời phải vật lộn mưu sinh kiếm sống.

Bên lề đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), bà Đoàn (61 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) xúc từng thìa cháo cho ấm bụng để có sức bán hàng tiếp. Dù đã hơn 22h nhưng hàng hoá của bà vẫn đầy ngập nào là dứa, bưởi, thanh long, xoài… Mỗi thứ còn tới có vài chục đến cả tạ.

“Toàn đồ trên quê trồng được nên Tết đến tôi thu hoạch và mang ra trung tâm để bán. Nhưng sức mua kém quá, mọi người về quê hết rồi”, bà Đoàn chia sẻ.

Bà Đoàn đã giảm giá 30% vẫn chưa bán hết hàng. Ảnh: Huyên Nguyễn

Theo người bán hàng này, đến tối nay, bà đã giảm giá thanh long 15.000 đồng 2 kí, xoài 15.000 đồng 2 kí, dứa 30.000 đồng 2 trái nhưng bán mãi vẫn không hết. “Giá như vậy là đã giảm 30% so với buổi sáng rồi đấy. Bán như thế này thì không có công. Sắp Giao thừa, tôi chỉ mong bán được đồng nào hay đồng ấy”, bà Đoàn chia sẻ.

Sát bên sạp hàng của bà Đoàn, nhiều người bán lịch, đồ trang trí Tết cũng tranh thủ từng giờ phút cuối cùng trong năm. 

Sạp hàng đồ trang trí Tết vẫn sáng đèn đón khách tới mua. Ảnh: Huyên Nguyễn

Dạo qua các con phố tại TPHCM, năm nay, nhiều cửa hàng vẫn còn mở cửa tới hơn 22h để đón khách.

“Hoa tồn nhiều quá nên tôi cố gắng mở cửa để bán được chậu nào thì tốt chậu ấy. Cả năm buôn bán mong vào dịp Tết mà tồn như thế này thì “mất Tết” rồi”, một người bán hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) chia sẻ.

Nhiều hàng hoa vẫn bày bán dù đã gần 23h đêm Giao thừa. Ảnh: Huyên Nguyễn

Ấm lòng vì người mua ủng hộ

Anh Nam (quận 12) cùng cha và 2 người em chăm sóc vườn hoa cả năm trời chỉ đợi dịp Tết đến để bán. Nhà có vườn nên anh bán đủ loại cúc, mào gà, thược dược… Giá về đêm Giao thừa chỉ còn 40.000 đồng/chậu thược dược, cúc 20.000-30.000 đồng/chậu…

“Công sức chăm bẵm mấy tháng trời của cả gia đình nên tôi đành cố. Muộn rồi cùng cố vớt vát. May thay bà con mua ủng hộ nhiều. Mình đã xuống giá thấp rồi nên cũng không mấy ai kỳ kèo hay trả giá nữa. Tôi cũng mong sớm bán hết để còn về nhà đón Giao thừa cùng vợ con”, anh Nam chia sẻ.

Nhiều người đến mua ủng hộ các cửa hàng hoa.

Đêm đến, nhiều người đi chơi về qua các cửa hàng vẫn ghé mua “ủng hộ”. Chị Diệp Lan – ghé hàng hoa trên đường Phan Đăng Lưu chọn mua 2 chậu hướng dương.

Chị Lan chia sẻ: “Nhà tôi đã sắm hoa mai, hoa cúc rồi nhưng đi qua thấy hoa còn nhiều quá, giá cũng rẻ nên mua ủng hộ. Giao thừa rồi cũng mong bà con nông dân sớm được về nhà đón Tết. Tôi mong rằng người dân đã trải qua 1 năm khó khăn về dịch bệnh rồi thì sang năm mới mọi điều sẽ thuận lợi, may mắn hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn