MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường kim loại quý sắp có cơ chế quản lý mới, không còn độc quyền vàng. Ảnh: Việt Anh

Sắp hết thời độc quyền vàng, doanh nghiệp có thể sản xuất, nhập khẩu

Đức Mạnh LDO | 30/03/2024 17:09

Giới chuyên gia đánh giá cao đề xuất bỏ độc quyền vàng, cho phép những doanh nghiệp vàng khác có uy tín, đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ bám sát với thị trường cũng như thế giới.

Chiều 28.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các chuyên gia, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Đồng thời về vàng trang sức mỹ nghệ, xem xét điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ thành hoạt động kinh doanh thông thường. Những hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một Bộ ngành khác để thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.

Giới chuyên gia thể hiện sự đồng tình cao trước quyết định chỉnh sửa này. PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - khẳng định, Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh của mình là xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Hiện nay cấu trúc vận hành của thị trường vàng cần mang tính chất thị trường cao hơn.

"Bỏ độc quyền vàng là yếu tố mấu chốt. Sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ nên được đẩy mạnh hơn để thúc đẩy tiềm năng của thị trường này với tay nghề của thợ kim hoàn Việt Nam. Qua đó có thể phục vụ cho cả du lịch và xuất khẩu" - ông Thiên nói.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vàng hóa và đô la hóa chỉ diễn ra khi tiền đi vào hệ thống ngân hàng. Vì 1 đồng tiền vào ngân hàng có thể biến thành 10 đồng nếu tỉ lệ dự trữ bắt buộc là 10%. Sai lầm nhiều năm về trước là nhận gửi và cho vay bằng vàng nên mới bị vàng hóa còn hiện nay đã hết. Do đó nên sửa đổi Nghị định 24.

Về việc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - ủng hộ nhưng lưu ý nên ở một mức độ nhất định. Việc nhập khẩu vàng cần nằm trong cân đối tổng thể các cấu phần nhập khẩu của nền kinh tế sao cho dự trữ ngoại hối đảm bảo 12 tuần nhập khẩu theo khuyến nghị của IMF.

"Nên để các doanh nghiệp vàng làm việc với các ngân hàng thương mại để điều hòa các yếu tố trên. Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc đưa vàng vào trong dự trữ với tỉ lệ phù hợp hơn" - TS Trần Du Lịch khuyến nghị.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cũng cho rằng nên cho phép có hạn ngạch về nhập khẩu vàng gắn liền với cán cân thương mại tổng thể cũng như tỉ giá. Đồng thời bỏ độc quyền vàng, cho phép những doanh nghiệp vàng khác có uy tín, đủ điều kiện được được sản xuất vàng miếng. Khi đó giá vàng trong nước sẽ bám sát với thị trường như thế giới.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài "Cởi trói cho thị trường vàng để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế”, phản ánh những bất cập trong việc quản lý thị trường vàng của Việt Nam hiện nay. Có thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến khó hiểu, xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng, trốn thuế gây thất thoát ngân sách, mạng lưới phân phối bị bóp nghẹt…

Bài viết cũng chỉ ra những bất cập trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hơn một thập kỷ trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các quy định từ 11 năm trước, trong khi có những quy định không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn