MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Đức Thụ phát biểu. Ảnh: Q.H

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là đòi hỏi bức thiết

XUÂN HẢI (thực hiện) LDO | 21/06/2017 07:13
Đó là ý kiến của ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - khi trao đổi với Lao Động về ý nghĩa của Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Ông Thụ nhấn mạnh: Khi DNNN được sắp xếp lại làm ăn có hiệu quả, tái sản xuất mở rộng sẽ thu hút được nhiều lao động hơn. Đặc biệt, việc sắp xếp đổi mới DNNN là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, bởi vì khối DNNN chiếm tỉ trọng vốn và tỉ trọng GDP tương đối lớn trong nền kinh tế. Ông Bùi Đức Thụ cho biết:

- Sắp xếp lại khu vực DNNN, ngoài hình thức cổ phần hóa thì còn có hình thức bán khoán, thuê khoán kinh doanh đối với doanh nghiệp đó... Trong chừng mực mà DNNN khó khăn về tài chính và thua lỗ kéo dài thì phải xử lý ngay. Nếu DNNN lâm vào tình trạng phá sản phải xử lý theo Luật Phá sản. Tuy nhiên, về nguyên tắc không dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho thua lỗ của doanh nghiệp. Những định hướng về nguyên tắc đó đã được Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội xác định rất rõ. Vấn đề còn lại, đó là việc tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Để giải quyết các DNNN thua lỗ, thua lỗ nặng kéo dài phải làm theo trình tự của Luật Phá sản. Trong quy trình thủ tục để thực hiện giải thể của doanh nghiệp phá sản thì pháp luật đã quy định rất rõ. Vấn đề còn lại là phải tổ chức thực hiện thế nào cho nhanh, gọn, minh bạch, công khai và không để thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.

 Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Một trong những vấn đề tuyên bố phá sản ở đây là vấn đề đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp. Ngoài việc xác định giá trị của doanh nghiệp trong sổ sách thì khó nhất là đối với vật tư tồn đọng. Đối với tài sản cố định thì xác định phần hao mòn hữu hình hay vô hình cũng đã là khó nhưng còn có cơ sở để đánh giá được. Nhưng giá trị vô hình, như là giá trị của doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp thì việc đánh giá ở đây là rất khó. Tuy nhiên, tôi cho rằng khó chứ không phải là không làm được. Chúng ta hiện tại có cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý về tài chính ngân sách giao cho Bộ Tài chính. Và có cơ quan thẩm định giá đối với việc phương án xác định doanh nghiệp. Rồi đến các tổ chức độc lập để thẩm định giá việc này. Vấn đề ở đây là việc cơ quan này phải xác định được thẩm quyền và trách nhiệm trong nhiệm vụ thẩm định, xác định giá trị doanh nghiệp đó ra sao.

Tôi cũng cho rằng việc xác định giá trị doanh nghiệp từ phía Nhà nước nên đặt vấn đề giá sàn, toàn bộ vấn đề xử lý về tài sản đó theo quy định là phải thông qua đấu giá, đấu thầu. Đấy là chúng ta đã sử dụng yếu tố thị trường và công bố rộng rãi, công khai. Trong điều kiện đó mới xác định được giá trị thực của tài sản doanh nghiệp trong từng thời điểm để chống thất thoát nguồn vốn cho Nhà nước. Tuy nhiên, một trong những vấn đề thất thoát trong DNNN vừa qua nói chung và việc thực hiện giải thể doanh nghiệp nói riêng có vấn đề thất thoát về đất đai.

 Có ý kiến cho rằng, việc sắp xếp lại các DN sẽ khiến việc làm của người lao động giảm đi. Vậy theo ông, cần làm thế nào để vừa sắp xếp DN hiệu quả, vừa tạo việc làm cho người lao động?

- Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tái cơ cấu lại DNNN sẽ dẫn đến thay đổi quản lý. Do đó, điều này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến phạm vi sử dụng lao động. Nhưng về lâu dài, chúng ta cơ cấu lại DNNN để làm tăng hiệu quả hoạt động của khu vực này, đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp đó một cách bền vững hơn. Khi doanh nghiệp đó làm ăn có hiệu quả tái sản xuất mở rộng thì tương lai sẽ thu hút được nhiều lao động hơn. Như vậy việc tái cơ cấu DNNN, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến quản lý, sử dụng lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng về dài hạn thì điều đó có ý nghĩa rất lớn. Đó là không chỉ dừng lại ở việc chỉ đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững mà còn giải quyết lao động dư thừa và tạo công ăn việc làm cho người lao động một cách dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn