MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thương mại điện tử đang dần thay thế thương mại truyền thống. Ảnh: Vũ Long

Sát Tết, các sàn thương mại điện tử "làm không hết việc"

Vũ Long LDO | 27/01/2022 19:00

Các sàn thương mại điện tử đang nỗ lực chinh phục người tiêu dùng với các chương trình phục vụ xuyên Tết, ưu đãi về giá và tốc độ vận chuyển.

Dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua đã nhanh chóng thay đổi hình thức thương mại, chuyển từ mua bán trực tiếp sang thương mại số.

Nhanh nhạy “đón đầu” xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử lớn đã liên tiếp đưa ra các chương trình kích cầu thúc đẩy tiêu thụ hàng Tết, xây dựng các gói chương trình hàng Việt, sản phẩm đặc sản các vùng miền địa phương để thu hút người tiêu dùng.

Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng, làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đã tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian tới nhất là giai đoạn cận Tết hiện nay. Các sàn thương mại điện tử lớn đã đồng loạt đưa ra các chương trình đặc biệt, tập trung vào sản phẩm hàng Việt. Nhiều sàn thương mại điện tử còn cam kết giao hàng xuyên Tết, giao nhanh "tận cửa nhà" trong 3 giờ. Các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Postmart đã tổ chức các chương trình ưu đãi đến hết ngày 31.1.

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống và giải trí xuyên suốt dịp Tết của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử sẽ mở phục vụ xuyên Tết như: Tiki với dịch vụ TIKI Giao hàng xuyên Tết; chương trình Shopee Tết Sale - Giao hàng xuyên Tết mang đến các ưu đãi về vận chuyển, về giá...

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng- Chủ tịch Sendo cho biết, sát Tết Nguyên đán, nhu cầu mua-bán trên sàn thương mại điện tử càng tăng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như trái cây, hoa tươi. Sendo đang nỗ lực huy động nhân lực để giao hàng đúng hạn dù áp lực thương mại trong dịp Tết rất lớn.

Theo ông James Dong - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.

Nhiều kênh bán hàng online của các siêu thị lớn như MM Mega Market, Big C/Go, Hapro, Winmart... cũng đang phải huy động hết nhân lực để đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng. 

Theo nhận định của Bộ KHĐT, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng dự kiến nền kinh tế số năm 2021 đạt 21 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan. 

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỉ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Hiện tại, Việt Nam đã thu hút được trên 100 nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Ericsson, ABB, Qualcomm… Những cơ sở này cho thấy, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn