MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau giảm tiền điện, nên giảm thêm tiền nước cho hộ nghèo, khu cách ly

Cường Ngô LDO | 02/08/2021 18:37

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm tiền điện, giá điện, tiền nước sinh hoạt được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp đều gia tăng.

"Chúng ta biết rằng, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư làm cho nhiều địa phương, trong đó có TPHCM và thủ đô Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc giãn cách khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút. Chính vì vậy, việc giảm tiền điện, tiền nước cho các hộ gia đình, khu vực cách ly có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ một cách kịp thời, nhanh chóng đối với người dân vùng dịch" - PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Giảm tiền điện, giá điện, tiền nước sinh hoạt

Ngày 31.7, Thủ tướng đồng ý giảm giá điện đợt 4 cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội. Hiện tại có 21 tỉnh, thành trên cả nước đang căng mình chống dịch. Nhiều người cũng đánh giá quyết định của Chính phủ là rất kịp thời, giữa lúc dịch bệnh gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, đời sống của người dân.

Ngay sau đó, ngày 1.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Giảm 10-15% tiền điện trong 2 tháng cho người dân những nơi đang thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: EVN

Biết được thông tin này, chị Lã Kiều Trang (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) rất vui mừng vì Chính phủ có chính sách kịp thời để hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

"Nếu thành phố Hà Nội không giãn cách, một ngày tôi làm 26 công/tháng và được nghỉ chủ nhật. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn, đơn hàng ít, nên tôi chỉ được làm 14 công/tháng, không tăng ca, không làm thêm giờ, thu nhập thấp đi hẳn", chị Trang nói.

Không tăng ca, đồng nghĩa với việc ở nhà nhiều hơn. Vợ chồng chị cùng hai con nhỏ thường xuyên phải sử dụng các thiết bị điện như quạt, bếp điện, nước sinh hoạt khiến tiền điện, tiền nước "tăng chóng mặt".

"Việc Chính phủ quyết định giảm 15% tiền điện đối với các hộ dùng dưới 200 kWh một tháng - tuy số tiền được giảm giá không nhiều, nhưng cũng thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, đáng quý lắm”, chị Trang cho hay.

Nên giảm thêm tiền nước cho hộ nghèo

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cũng đánh giá cao đến việc giảm 100% tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 và tiền điện cho các hộ gia đình ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Theo ông Thịnh, với những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cần triển khai thực hiện chương trình miễn, giảm 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian 3 tháng. "Đây là thời điểm họ cần được hỗ trợ và giúp đỡ nhất", ông nói.

Đối với những hộ gia đình (không phải hộ nghèo) thì giảm 20-30% tiền nước sạch cho họ, nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương - cho biết, Bộ đang chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.

Đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết sau ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, có thể trong 1 - 2 ngày tới, UBND TPHCM sẽ tổ chức họp bàn với các đơn vị liên quan để triển khai, lên kế hoạch cụ thể. SAWACO vẫn luôn sẵn sàng thực hiện các phương án hỗ trợ theo ý kiến chỉ đạo từ UBND TP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn