MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau một năm ảm đạm, thị trường trái phiếu Chính phủ trong 2022 sẽ ra sao?

Đức Mạnh LDO | 12/01/2022 18:22

Kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn được thu hút, tỉ giá USD/VND giữ vững và thanh khoản dồi dào đang đặt áp lực lên khả năng sinh lời của kênh trái phiếu chính phủ trong năm 2022.

Trong suốt năm 2021, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) ghi nhận xu hướng giảm của lợi suất tiếp tục chiếm ưu thế, đan xen trong xu hướng giảm chung vẫn xuất hiện những nhịp tăng nhẹ hoặc đi ngang ngắn hạn. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với năm 2020.

Lợi suất trái phiếu ngắn hạn nhích tăng nhẹ do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, có 3 nguyên nhân lý giải cho đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài: Thứ nhất, các ngân hàng trung ương vẫn cho thấy động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Thứ hai, Chính phủ luôn cho thấy nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Thứ 3, TPCP vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho các tài sản thanh khoản, có mức sinh lời cố định.

Mặc dù thanh khoản không thiếu hụt, mức giảm lợi suất trái phiếu dài hạn lại khá khiêm tốn đặc biệt trong quý III. Nguyên nhân là do lãi suất đã giảm khá mạnh trong một khoảng thời gian dài trước đó, bởi vậy tâm lý nhà đầu tư khá nhạy cảm trước yếu tố tiềm ẩn có thể thay đổi sự ổn định vĩ mô. 

Ngoài ra, lo ngại về lạm phát tăng nóng cũng như khả năng ngân hàng trung ương thực hiện trung hòa chính sách tiền tệ sớm hơn so với kỳ vọng cũng khiến tâm lý các thành viên trên thị trường thận trọng hơn.

Lãi suất trái phiếu và diễn biến của thị trường thứ cấp trong 1 năm qua. Ảnh: VCBS Research 

Ở thị trường thứ cấp, khối ngoại mua ròng trên thị trường, chủ yếu tại kỳ hạn dưới 5 năm. Đáng chú ý, khối ngoại tập trung mua ròng vào tháng 6.

Mặc dù khối lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại chiếm tỉ trọng khá nhỏ trên thị trường nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư ngoại đặt niềm tin vững chắc vào tài sản phi rủi ro ở những quốc gia đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô và cùng lúc kiểm soát được dịch bệnh như Việt Nam. 

Vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng lên Tích cực. Ảnh: T.L

Sang năm 2022, VCBS Research dự báo khối lượng phát hành trái phiếu không đổi so với năm trước, và không xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu.

Cụ thể, VCBS dự phóng khối lượng phát hành trái phiếu rơi vào khoảng 350 - 370 nghìn tỉ đồng, tức không đổi so với 2021.

Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục thể hiện khả năng điều tiết nguồn cung hợp lý nhằm tối ưu hóa lợi ích cho Ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, khối lượng TPCP đáo hạn giảm mạnh so với năm 2021, góp phần làm giảm áp lực phát hành cơ cấu nợ.

Trong khi đó, khối lượng đáo hạn trái phiếu 5 - 6 năm tiếp theo vẫn ở mức khá thấp.

Về xu hướng biến động lợi suất, VCBS cho rằng mặt bằng lợi suất trái phiếu còn dư địa giảm nhưng mức độ giảm và biến động sẽ không lớn. Đan xen trong các nhịp giảm có thể xuất hiện các nhịp tăng ngắn hạn theo các biến động trên thị trường thế giới.

Theo đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tiến tới thu hẹp dần các chương trình nới lỏng, xu hướng tăng giá tài sản sẽ chững lại.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể nhích lên 0,2% - 0,5% (cao hơn bình quân các năm 2020-2021) trong bối cảnh nguồn lực tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tín dụng phục vụ nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì sức hút với dòng tiền đầu tư nước ngoài, tạo ra nguồn thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng.

Chứng khoán VCBS dự báo lợi suất đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ dao động trong khoảng 2 - 2,5%.

Bên cạnh đó, các kỳ hạn thanh khoản cao nhất sẽ là 7 năm - 10 năm và sẽ chuyển dần lên các kỳ hạn cao hơn do lợi suất tốt hơn so với chi phí vốn.

Tuy nhiên, các sự kiện bất ngờ có thể xuất hiện trên thị trường khiến nhà điều hành thắt chặt thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể kể ra như lạm phát có thể tăng đột ngột ngoài tầm kiểm soát hay thị trường thế giới trải qua những biến động mạnh, tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống trên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn