MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: LDO.

Sau nhiều pha “lên đồng”, rủi ro rình rập nhà đầu tư chứng khoán

Đức Mạnh LDO | 28/11/2021 15:36

Năm 2021 chứng kiến đà tăng dựng đứng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến hết tháng 10.2021, có khoảng 3,6 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 4% GDP. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay có gần 1,1 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới, theo ông Đỗ Anh Vũ, Phó chánh văn phòng Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Nguy hiểm rình rập

Cũng theo ông Đỗ Anh Vũ, giao dịch bình quân của thị trường tăng mạnh, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2020. Phiên 3.11 vừa qua, thanh khoản toàn thị trường cao mức kỷ lục lịch sử với giá trị giao dịch gần 52.000 tỉ đồng, tương đương 2,28 tỉ USD, khối lượng giao dịch đạt 1,5 tỉ cổ phiếu. Chỉ số VN-Index đồng thời công phá thành công ngưỡng 1.500 điểm, đỉnh kỷ lục trong suốt 21 năm của thị trường chứng khoán.

Dòng tiền nhập cuộc bất chấp sự rung lắc bần bật và mức giảm điểm sâu. Lượng cổ phiếu giá thấp trong những thời điểm gần kịch sàn liên tục được hấp thụ bởi dòng tiền mới. Đáng chú ý, trên thị trường xuất hiện hiện tượng nhiều cổ phiếu nhỏ và vừa (penny) có kết quả kinh doanh bết bát, liên tục báo lỗ nhưng vẫn ầm ầm tăng giá. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định từ đầu năm 2021 đến nay, chứng khoán tăng trưởng 29% nhưng thực ra đà tăng mạnh chỉ diễn ra trong 4 tháng gần đây: “Bốn tháng nay đã tăng tới 40-50% thể hiện sự nguy hiểm rất cao đang cận kề".

90% người trong ngành tin chứng khoán sẽ điều chỉnh trong nửa năm sau

"Cảm giác của 80 - 90% người trong ngành chứng khoán tin rằng thị trường sẽ điều chỉnh", ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Quản trịnh Kinh doanh BinzUni, chuyên gia tài chính cá nhân nhấn mạnh.

Theo ông Chánh, trong bối cảnh thị trường chung đi lên, tất cả cổ phiếu, kể cả loại tốt hay xấu cũng lên cùng nhau. Tuy nhiên những mã có giá trị cơ bản tốt dù có xuống cùng thị trường thì vẫn có lực hỗ trợ riêng. Vì thế, dòng tiền trở lại sau suy thoái vẫn sẽ đổ vào nhóm tốt này và đưa giá hồi lại.

Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Hiển khuyên nhà đầu tư năm sau nên xuống tiền cẩn thận, nhất là với chứng khoán.

Tiến sĩ Đinh Thế  Hiển cho rằng cái gì tăng nóng thì đều có nguy cơ điều chỉnh.

“Năm 2017, chứng khoán lên ai cũng lời nhưng mức tăng trưởng cũng chỉ tương đối. Sang năm 2021 lại đang chứng kiến mức tăng trưởng chưa có câu trả lời. Tăng mạnh nhờ dòng tiền nóng mà chưa có lý do để giải thích thì bất cứ lúc nào cũng có thể điều chỉnh như 2017. Năm 2017 chứng khoán tăng 47% và được điều chỉnh xuống năm 2018.

Chứng khoán phải có sự điều chỉnh vào quý I và quý II năm 2022. Nhà đầu tư nên thận trọng với chứng khoán trong 6 tháng đầu năm sau" - Tiến sĩ Đinh Thế  Hiển nhận định.

Sau tất cả, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Quản trịnh Kinh doanh BinzUni -  vẫn lạc quan về  triển vọng thị trường, đặc biệt những doanh nghiệp tốt trên thị trường chứng khoán.

"Chứng khoán sập thì bảo hiểm cũng sập, tất cả những quỹ tương lai sập và nền kinh tế cũng sập theo. Vì thế nên rất khó có khả năng xảy ra" - ông Chánh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn