MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Sỹ từ một kỹ sư xây dựng nhưng do bị tai nạn lao động đã trở về quê lập nghiệp và sống tốt với nghề nuôi ốc bươu đen. Ảnh: TT.

Sau tai nạn lao động, kỹ sư về quê “sống tốt” nhờ nuôi ốc

TRẦN TUẤN LDO | 08/06/2022 10:35
HÀ TĨNH - Từ một kỹ sư xây dựng có mức lương 13 triệu đồng mỗi tháng, vì bị tai nạn lao động, anh Phạm Viết Sỹ (33 tuổi, trú tại thôn Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở về quê lập nghiệp bằng nghề nuôi ốc và cho thu nhập cao.

Bước ngoặt sau tai nạn của chàng kỹ sư xây dựng

Từ giới thiệu của Hội nông dân xã Thường Nga, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Viết Sỹ - chủ nhân mô hình nuôi ốc bươu đen “có tiếng” ở địa phương này.

Anh Sỹ kể, năm 2011, anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông vận tải miền Trung với tấm bằng kỹ sư xây dựng và sau đó đi làm với mức lương từ 10 -  13 triệu đồng/tháng.

Công việc đang thuận lợi thì bỗng nhiên vào đầu năm 2020, khi đang làm việc tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), anh không may bị tai nạn lao động gãy 1 đốt sống lưng phải nằm viện 6 tháng.

Sau chữa trị, dù bình phục nhưng đã giảm khả năng lao động nên anh quyết định trở về quê hương để tìm công việc phù hợp.

“Khi về quê, tôi tìm hiểu và được Hội Nông dân xã Thường Nga tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng cho nghề nuôi ốc bươu đen. Sau khi tìm hiểu trên mạng internet và đi tham quan, học hỏi thực tế ở một số mô hình trong và ngoài tỉnh, tôi đã quyết định thử sức với nghề này.” - anh Sỹ chia sẻ.

Ốc bươu đen cho thu nhập tốt cho gia đình anh Sỹ. Ảnh: TT.

Vậy là cuối năm 2020, anh Sỹ mạnh dạn bỏ vốn 150 triệu đồng thuê lại 4.000m2 đất bạc màu hoang hóa ở xã Thường Nga đào 9 ao và mua 150.000 con ốc bươu giống ở Thanh Hóa về thả nuôi.

Dù đã nắm khá chắc về quy trình, kỹ thuật nuôi trên lý thuyết, nhưng trong vụ nuôi đầu tiên, anh Sỹ vẫn thất bại, bị thua lỗ khoảng 50 triệu đồng. Nhưng, thất bại lần đầu đó không làm anh nhụt chí, ngược lại nó cho anh thêm kinh nghiệm trong thực tế để khắc phục, vươn lên.

Sống tốt nhờ nuôi ốc

Theo anh Sỹ, ở các vụ nuôi sau đã mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho anh. Hiện gia đình anh có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con gồm cả ốc bố mẹ, ốc giống, ốc thịt.

Một ốc mẹ đẻ ra ra 1 chùm khoảng 100 trứng, sau đó anh Sỹ gom lại cho vào lò ấp ở nhiệt độ từ 25-30 độ C. 15 ngày sau ấp, trứng sẽ nở. Sau 4 - 6 tháng chăm sóc ốc đạt trọng lượng 30 - 40 con/kg là đủ tiêu chuẩn để xuất bán ra thị trường.

Những chùm trứng ốc mà anh Sỹ gom lại để cho vào lò ấp, tạo ra ốc giống. Ảnh: TT.

Với giá bán ốc thương phẩm 90.000 -120.000đồng/kg, ốc giống giá 300-350 đồng/con, trừ mọi chi phí anh Sỹ "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

"Ốc bươu đen là loài dễ nuôi, ít bệnh tật và mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nuôi. Thức ăn của chúng đơn giản, có sẵn trong đồng ruộng, ở thôn quê như bèo hoa dâu, bèo cám, hoa quả, mướp, bầu bí, lá sắn nên chi phí đầu tư thấp.” - anh Sỹ tâm sự.

Cơ bản về thuận lợi là vậy, tuy nhiên theo anh Sỹ, nghề nuôi ốc bươu đen cũng cần lưu ý về về nguồn nước trong ao nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm, nhiệt độ ao luôn giao động trong khoảng từ 27 đến 33 độ C. Bèo tây chính là thức ăn cho ốc, đồng thời cũng như là một lớp áo nổi trên mặt nước để giữ nhiệt độ trong ao nuôi luôn ổn định, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Ao nuôi ốc của anh Sỹ phủ kín bèo vừa là thức ăn vừa giữ nhiệt độ để ốc sinh trưởng tốt. Ảnh: TT.

Theo kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen của anh Sỹ, địa điểm nuôi ốc nên chọn các khu vực có dòng nước chảy qua để thường xuyên thay nước trong ao nuôi, đảm bảo vệ sinh. Khi cho ốc ăn nên cho một lượng thức ăn vừa đủ, vì thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Ốc bươu đen sẽ mắc bệnh đường ruột nếu nguồn nước không sạch.

Ông Trần Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Nga đánh giá rằng, anh Sỹ là một hội viên Hội Nông dân của xã rất cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm. Khi được Hội tham mưu, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình nuôi ốc bươu đen, anh Sỹ đã mạnh dạn đi đầu.

"Dù có những khó khăn bước đầu, nhưng hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Sỹ được xem là mô hình điểm của địa phương và đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Ngoài ra, anh Sỹ còn hỗ trợ, giúp đỡ giống và kỹ thuật cho những gia đình khác có mong muốn phát triển, làm giàu bằng nuôi ốc bươu đen” - ông Kiên chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn