MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau thu hoạch, nông dân miền Tây hái ra tiền nhờ rơm rạ

MỸ LY LDO | 07/10/2023 09:03

Vụ hè thu năm 2023, người nông dân miền Tây vui mừng khi lúa được giá cao. Chưa dừng lại ở đó, những nông dân này còn kiếm thêm thu nhập từ rơm rạ sau thu hoạch.

Nếu ngày trước, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân thường đốt bỏ rơm rạ trên đồng gây lãng phí và dễ ô nhiễm môi trường thì nay nhiều người đã biết tận dụng chúng để tăng thu nhập. Theo đó, nông dân trồng lúa tại một số tỉnh miền Tây không chỉ bán rơm lấy tiền mà nhiều hộ còn thu gom để trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ và phục vụ nhiều hoạt động sản xuất khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vụ lúa vừa rồi, bà Hồ Thị Nhiên – nông dân trồng lúa tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) – không chỉ bán được lúa giá tốt mà còn kiếm thêm một khoản nhờ bán rơm khô.

“Vụ vừa rồi, nhà tôi thu hoạch hơn 20 tấn lúa OM5451, được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, năm nay trừ hết chi phí, nhà tôi lãi nhiều hơn mọi năm. Chưa kể, sau vụ, tôi mướn máy cuộn để thu gom rơm trong ruộng bán lại cho những hộ trồng nấm, nuôi bò. Với 3,5 công ruộng, nhà tôi thu được khoảng hơn 500 cuộn rơm, mỗi cuộn bán được 23.000 đồng. Có năm rơm được giá còn lên đến 30.000/cuộn”, bà Nhiên nói.

Sau thu hoạch, nông dân miền Tây có thể bán rơm cho người trồng nấm với giá 23.000 đồng/cuộn, có năm rơm được giá còn lên đến 30.000/cuộn. Ảnh: Mỹ Ly

Cũng trúng giá vụ lúa vừa rồi, ông Lê Chí Tâm - nông dân trồng lúa ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vừa bán vừa tận dụng rơm để trồng nấm. Nhờ đó, ông có thêm một khoản thu nhập từ rơm khô.

“Năm nào cũng vậy, sau vụ thu hoạch, tôi sẽ thuê máy thu gom rơm lại thành từng cuộn để bán và chừa lại một số để trồng nấm rơm. Giờ có máy nên cuộn rơm rất nhanh và tiện, lại bán được giá, không cần tốn công đốt đồng như ngày trước”, ông Tâm chia sẻ.

Một số nông dân tận dụng rơm để trồng nấm, tăng thu nhập. Ảnh: Mỹ Ly

Theo ông Tâm, trồng nấm rơm cũng mang đến thu nhập khá ổn định. Trung bình 1 cuộn rơm sẽ cho được 1 kg rưỡi đến 2 kg nấm. Hiện mỗi kg nấm rơm nhà ông trồng được lái thu mua với giá 48.000 đồng. Đặc biệt, do rơm nhà sẵn có nên lợi nhuận thu được cao hơn những hộ mua lại.

Trung bình 1 cuộn rơm sẽ cho được 1 kg rưỡi đến 2 kg nấm. Ảnh: Mỹ Ly

Thu hoạch vụ lúa thu khá sớm và lãi 1,5 triệu đồng cho mỗi công lúa Nàng Thơm, ông Nguyễn Văn Tuấn – nông dân trồng lúa ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) - cũng tận dụng rơm khô để tăng thu nhập.

“Giờ chỗ tôi không ai đốt đồng, toàn thuê máy về cuộn rơm đem bán. Thấy nhu cầu này, có nhà còn đầu tư máy cuộn rơm cho thuê kiếm thu nhập. Còn tôi do có trồng thêm mấy công hành nên bán nhưng vẫn chừa lại một ít dùng để phủ đất. Bởi nó vừa giúp hạn chế xói mòn do mưa hay nước tưới vừa giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước, cây cũng phát triển tốt hơn”, ông Tuấn cho biết.

Có hộ còn dùng rơm để phủ đất, giúp rau màu phát triển tốt hơn. Ảnh: Mỹ Ly

Ngoài dùng để trồng nấm, phủ đất, không ít gia đình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn tiết kiệm được một khoảng chi phí khi dùng rơm làm thức ăn cho trâu, bò. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông Hồ Minh Liệt – nông dân tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng – lại thuê máy cuộn để thu gom rơm. Theo ông Liệt, rơm có giá trị dinh dưỡng cao, bò ăn dễ tiêu hóa, rơm còn dự trữ được lâu để dành vào những tháng mùa hạn khi cỏ ngoài đồng không còn xanh tốt.

Nhiều nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí khi dùng rơm làm thức ăn cho trâu, bò. Ảnh: Bích Phượng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn