MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn các nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp xen kẽ với các khu dân cư tại thành phố Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Sẽ có lộ trình, đánh giá tác động khi di dời hàng ngàn nhà máy ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 06/10/2023 17:23

Bình Dương - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc di dời hàng ngàn nhà máy ở phía Nam vào các khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương sẽ có lộ trình và đánh giá các yếu tố tác động đến doanh nghiệp và công nhân lao động.

Ngày 6.10. tại Đại hội Hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nhiệm kỳ V năm 2023-2028 và Hội nghị hướng dẫn "Thông tư 33/2023/tt-BCT quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Chính sách vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu", đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương có đề cập đến chủ trương di dời nhà máy ở phía Nam vào các khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Đây là vấn đề mà hàng ngàn doanh nghiệp ở nhiều địa phương tại Bình Dương đang quan tâm.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc sở Công Thương Bình Dương - cho biết, đề án di dời nhà máy ở phía Nam vào trong các khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương được ban hành từ năm 2019. Theo lộ trình thì thực hiện đề án từ năm 2020 đến kết thúc 2030. Do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều vấn đề tình hình thế giới ảnh hưởng, đến nay đề án chưa thực hiện được lộ trình di dời. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai đề án này.

Hiện nay, đã thành lập được ban chỉ đạo, tổ giúp việc cho UBND tỉnh và xây dựng được các tiêu chí. Đồng thời, đề xuất với UBND tỉnh, Tỉnh ủy có những chính sách thực hiện công tác di dời nhà máy và chuyển đổi công năng trong thời gian tới thật hiệu quả.

Hàng ngàn nhà máy sản xuất công nghiệp vẫn đang xen kẽ cùng các khu dân cư. Ảnh: Đình Trọng

Bà Nguyễn Thanh Hà mong rằng, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương sẽ rà soát, cùng đồng hành với Sở Công Thương và địa phương. Các địa phương ở phía Nam có nhiều nhà máy sẽ di dời lên phía Bắc như: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát. Bà Nguyễn Thanh Hà đề nghị Hiệp hội sẽ nắm thông tin, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp. Đồng thời, có hướng dẫn vận động doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình này.

Để các doanh nghiệp yên tâm khi di dời trong bối cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết, tỉnh sẽ tính toán có lộ trình, có đánh giá tác động. "Chúng tôi sẽ có những chính sách, những tiêu chí cụ thể và tiêu chí phù hợp để lấy ý kiến. Và thường xuyên cùng với các hiệp hội ngành hàng để đối thoại, trao đổi việc đánh giá tác động với doanh nghiệp. Làm sao để việc di dời đảm bảo hài hòa giữa định hướng phát triển và phù hợp cho doanh nghiệp, an tâm sản xuất kinh doanh" - bà Nguyễn Thanh Hà nói.

Bà Hà cho biết thêm: "Nếu có di dời đi cũng có lộ trình cụ thể, thời gian cụ thể, chính sách để doanh nghiệp chuẩn bị. Đặc biệt, là phải có đánh giá tác động".

Việc di dời sẽ có đánh giá tác động và lộ trình cụ thể để giảm ảnh hưởng, tác động đến doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Đình Trọng

Theo thống kê ban đầu, tại thành phố Thuận An có khoảng 1.000 doanh nghiệp, Dĩ An có khoảng 350 doanh nghiệp có nhà máy trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, gia công, in ấn... nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc diện sẽ di dời.

Sẽ tác động đến cả công nhân lao động

Khi nhà máy di dời, công nhân lao động cũng sẽ đi theo vì vậy người lao động đang rất băn khoăn, lo lắng. Các vấn đề sẽ xáo trộn như: thay đổi việc làm, đời sống, sinh hoạt, gửi trẻ, cơ sở khám chữa bệnh công lập, nơi vui chơi giải trí, mua sắm… Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn, thu nhập eo hẹp, trường hợp di dời cũng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến người lao động.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, vừa qua đã kiến nghị với UBND Bình Dương thông tin cụ thể về chương trình, kế hoạch, các giai đoạn triển khai thực hiện đề án, để tuyên truyền cho người lao động an tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn