MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tận dụng thế mạnh vốn có của các địa phương để vừa phát triển du lịch cộng đồng lại nâng tầm cho sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

"Se duyên" cho OCOP và du lịch cộng đồng để có hướng đi bền vững

NGUYÊN ANH LDO | 11/05/2022 16:12
Kiên Giang - Sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng địa phương, quảng bá du lịch, mang lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 108 sản vật được đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) được phân loại theo các nhóm: Nông sản (tươi và chế biến), đồ uống, lưu niệm. Trong đó 77 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. 6 sản phẩm nước mắm Phú Quốc đạt hạng tiềm năng 5 sao được Sở NNPTNT trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Đây là những sản phẩm chủ lực của Kiên Giang đã đạt thương hiệu theo Đề án để thuận tiện cho việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm OCOP thế nhưng Kiên Giang vẫn chưa phát huy được thế mạnh này. Hiện tại, loại hình du lịch cộng đồng được đẩy mạnh phát triển tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc nhưng chưa thật sự khai thác được hết tiềm năng thế mạnh của sản phẩm OCOP lẫn hình thức du lịch cộng đồng.

Kiên Giang chưa công nhận được sản phẩm OCOP nào về dịch vụ du lịch cộng đồng vì các cơ sở dịch vụ du lịch chưa quan tâm nhiều về chương trình OCOP, số điểm làm chương trình còn nhỏ lẻ chưa liên kết dịch vụ với nhau...

Theo Sở NNPTNT, Kiên Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được Bộ NNPTNT lựa chọn thực hiện đề án trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là cơ hội tốt để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP. Việc lồng ghép xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Ngược lại nhờ vào du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Sản phẩm tranh vỏ tràm, bẹ chuối được công nhận đạt 3 sao thu hút du khách đến tham quan, mua sản phẩm, trải nghiệm tour đi rừng. Ảnh: PV

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn không chỉ để bán còn gắn kết tạo hình ảnh thương hiệu cho du lịch. Thực hiện tốt Đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm" nhằm tạo ra các sản phẩm uy tín, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để kết nối quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn điện tử, các hội chợ triển lãm... thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá tiềm năng thế mạnh và lợi ích của việc gắn kết, tỉnh tập trung đầu tư và hỗ trợ để phát triển nhưng chủ trương tránh tình trạng phát triển theo phong trào và khai thác mô hình giống nhau giữa các địa phương. Tận dụng thế mạnh của các làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch, khai thác các giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP. Kết nối với các công ty lữ hành du lịch, đưa du khách đến tham quan, giới thiệu sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị và mang thu nhập khá cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn