MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi phí không chính thức khiến DN gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV

Sẽ giảm hàng loạt các khoản phí không chính thức

Linh Linh LDO | 22/05/2017 15:00
Trước hàng loạt phản ánh của doanh nghiệp (DN) cho rằng những khoản chi phí không chính thức như các khoản xin cấp chứng chỉ hành nghề, tiếp cận đất đai, ngân hàng... chưa có gì cải thiện, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng sẽ ra Chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết 35 với mục tiêu là tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là giấy phép con, lợi ích nhóm để giảm các chi phí chính thức và không chính thức.

Nhiều khoản phí không chính thức “đè” DN

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - Việt Nam đang là nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả chính thức và không chính thức. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, DN mỗi năm phải tiếp từ 6-7 đoàn thanh, kiểm tra; 14% DN bị kiểm tra 4-5 lần trong năm 2016.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV - chỉ thẳng những khoản chi phí không chính thức như các khoản xin cấp chứng chỉ hành nghề, tiếp cận đất đai, ngân hàng... chưa có gì cải thiện. Ông Thân cho rằng: “Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của DN và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân. Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và DN”.

Thanh tra chồng chéo, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm

Sau khi ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các DN và hiệp hội, cùng với đề xuất từ phía VCCI, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chỉ thị 20/2017/CT-TTg về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như Công an, Thuế, Thanh tra…

Ông Dũng cho biết, nội dung của Chỉ thị 20 có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đơn vị, cấp, ngành; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN ngay từ đầu năm. Theo đó, tổng hợp đề xuất thanh tra, kiểm tra của ngành công an về công tác phòng cháy chữa cháy, của ngành tài nguyên và môi trường về đánh giá tác động môi trường; của ngành xây dựng về vấn đề xây dựng hay của ngành tài chính về thực hiện nghĩa vụ thuế… đồng thời tổ chức duy nhất 1 đoàn thanh tra, kiểm tra DN 1 lần trong năm hoặc kiểm toán DN 1 lần/năm. Trong một số trường hợp có biểu hiện nghi vấn về vi phạm pháp luật, các đơn vị thanh tra, kiểm tra vẫn có thể tiến hành nhưng phải đảm bảo xác định được dấu hiệu vi phạm hoặc thu thập được những chứng cứ vi phạm của DN.

“Khi phát hiện có tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo tại DN thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu UBND các cấp không tiến hành giải quyết mà để DN kiến nghị hoặc phản ảnh lên cơ quan cấp cao hơn thì chính cơ quan ấy sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35, dự thảo dài 11 trang, gồm 60 nhiệm vụ cho 14 bộ và các địa phương. Mục tiêu trong chỉ thị này là tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là giấy phép con, lợi ích nhóm để giảm các chi phí chính thức và chi phí không chính thức, từ đó giảm giá thành sản phẩm, DN có thể cạnh tranh. khai thuế điện tử, giảm thời gian chi phí… Bộ trưởng Bộ TNMT tới đây phải nghiên cứu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai…

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn