MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ kiểm tra một loạt công ty kiểm toán trong năm nay. Ảnh minh hoạ

Sẽ kiểm tra 11 công ty kiểm toán để tăng chất lượng thông tin tài chính

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 21/04/2022 10:37

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có kế hoạch kiểm tra 11 công ty kiểm toán. Động thái này nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vi phạm đối với việc lập báo cáo tài chính, công bố thông tin tài chính của công ty niêm yết và công ty đại chúng, nâng cao tính minh bạch cho thị trường.

Vai trò phát hiện gian lận trên báo cáo tài chính 

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) với mức phạt 300 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty này đã không công bố thông tin theo quy định trên hệ thống của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, công ty còn công bố các thông tin sai lệch số liệu lợi nhuận tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất Quý IV/2020 so với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 2020 đã kiểm toán, tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2021 so với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2021 đã được soát xét. Với các vấn đề như hạch toán sai số liệu dự phòng khó đòi, dự phòng chi phí đã phát sinh của dự án, dự phòng của khoản lỗ do chuyển nhượng cổ phiếu... đã được cơ quan chức năng chỉ ra.

Từ trường hợp trên có thể thấy, vai trò của hoạt động kiểm toán là hết sức quan trọng trong việc phát hiện ra những gian lận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. 

Phía đại diện Bộ Tài chính mới đây cung cấp số liệu trong năm 2020, số đơn vị bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến là 38 trường hợp, năm 2021 là 27 trường hợp. "Những doanh nghiệp bị kiểm toán từ chối sẽ bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc; còn những doanh nghiệp có những yếu tố loại trừ, tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến đánh giá, quyết định của nhà đầu tư, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng" - theo đại diện Bộ Tài chính. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm báo cáo tài chính của doanh nghiệp xuất phát bởi doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Khi đó, kiểm toán viên đã không đủ năng lực để phát hiện sai phạm. Ngoài ra còn có câu chuyện đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. 

Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Trần Văn Hồng đánh giá, trên thực tế các hành vi tiêu cực vi phạm đạo đức của kiểm toán viên có thể rất đa dạng như sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; che đậy, báo cáo sai lệch, không đầy đủ các sai phạm của đơn vị được kiểm toán; thiên vị, bênh vực, dễ dàng chấp nhận, dễ dàng thông cảm với đơn vị được kiểm toán do có mối quan hệ thân quen hoặc trước đây đã từng làm việc tại đơn vị được kiểm toán; Lợi dụng nhiệm vụ công việc của mình để tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức hoặc các thông tin của đơn vị được kiểm toán cho mục đích riêng…

Phải đảm bảo tính độc lập, khách quan

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vi phạm đối với việc lập báo cáo tài chính, công bố thông tin tài chính của công ty niêm yết và công ty đại chúng, nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính và tính minh bạch, bền vững cho thị trường chứng khoán, đơn vị này đang tăng cường rà soát các báo cáo tài chính kiểm toán. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có kế hoạch kiểm tra 11 công ty kiểm toán trong năm 2022. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp kiểm toán tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.

Trao đổi về xử lý sai phạm của kiểm toán viên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có các chế tài trong những trường hợp kiểm toán viên liên quan đến sai phạm báo cáo tài chính, kể cả vô tình hay cố ý. Nhẹ sẽ là đình chỉ tư cách kiểm toán viên, nặng hơn nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cơ quan công an.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn